Biển đảo Đông Bắc Á cũng nổi cơn giông tố

ANTĐ - Tuần qua, các đại sứ liên tục bị triệu tập, những vụ bắt giữ tàu thuyền và những lời chỉ trích lẫn nhau đang làm vùng biển Đông Bắc Á nổi sóng lớn, mà nguyên nhân là các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đảo. Hai ngòi nổ ở Đông Bắc Á là tranh chấp ở hai quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và Takeshima/ Dokko đang nhen nhóm trở lại. 

Nhật Bản quyết bảo vệ Senkaku

Va chạm tàu cá và tàu tuần tra, các nhà hoạt động bị bắt giữ, báo giới đồng loạt lên tiếng chỉ trích lẫn nhau dữ dội, các tuyên bố ngoại giao mạnh mẽ, cứng rắn… dường như Trung Quốc và Nhật Bản sắp bước vào một giai đoạn căng thẳng mới. 

Quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm trên biển Hoa Đông cách bờ biển Đài Loan chưa đầy 200 km trong một ngư trường đánh cá lớn và được cho là có trữ lượng khoáng sản có giá trị. Nhật Bản kiểm soát các đảo Senkaku/ Điếu Ngư nhưng Trung Quốc lại không muốn từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Cảnh đối đầu giữa các tàu tuần duyên của Nhật và tàu cá của Trung Quốc cũng thường thấy. Đáp trả việc các tàu cá Trung Quốc, Hồng kông, Đài Loan trống dong cờ mở kéo đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang trực chiến 24/24 giờ để “nghênh đón”.

Căng thẳng giữa hai nước gần đây gia tăng sau khi Tokyo một lần nữa khẳng định chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư trong Sách Trắng Quốc phòng và tố cáo Trung Quốc uy hiếp thế giới. Tháng trước Nhật Bản đã tạm triệu hồi đại sứ tại Bắc Kinh về nước, trong bối cảnh thị trưởng Tokyo và sau đó là Chính phủ Nhật tuyên bố sẽ mua lại chuỗi đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật. 

Đỉnh điểm căng thẳng trong tuần qua khi một nhóm người Hồng kông thuộc Ủy ban Hành động bảo vệ đảo Điếu Ngư của Hồngkông tới chuỗi đảo tranh chấp bằng tàu cá mang cờ Trung Quốc bất chấp việc bị tuần duyên Nhật Bản nã pháo nước vào tàu. Đội tàu tuần duyên Nhật Bản ngày 15-8 đã bắt giữ 14 thành viên của nhóm tiếp cận đảo Uotsurijima, một trong các đảo nhỏ thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, hôm 17-8, Nhật Bản đã quyết định trục xuất chứ không khởi tố 14 người này nhằm làm dịu căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hãng tin Kyodo cho biết động thái này có thể làm giảm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á. Các chuyên gia nhìn nhận cả Bắc Kinh và Tokyo đều muốn giảm nhiệt căng thẳng do quan hệ kinh tế hai bên rất chặt chẽ. 

Trước đó, báo Sankei (Nhật Bản) ngày 13-8 dẫn lời ông Shigeru Iwasaki, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cho biết giới lãnh đạo cấp cao nước này đã chấp thuận một kế hoạch tác chiến nhằm bảo vệ Senkaku. Thủ tướng Nhật Noda cho biết cả hải quân và không quân đều được nhận lệnh ngăn chặn bất kỳ hoạt động trái phép nào trên vùng biển Hoa Đông. Tờ Sankei Shimbun cho biết lực lượng lính thủy đánh bộ và tàu chiến Nhật sẽ được phái ngay ra ứng cứu và triển khai các hành động quân sự trên biển nếu lực lượng phòng vệ bờ biển không đối phó được vấn đề.

Ngoài những diễn biến trên, quan hệ Nhật-Trung còn không ít lần căng thẳng bởi những cuộc tập trận của Trung Quốc gần nhóm đảo, cuộc thi câu cá của các nhà hoạt động và kế hoạch tới thăm đảo của các chính trị gia Nhật Bản. Hồi năm 2010, các hòn đảo không người cũng từng là tâm điểm căng thẳng giữa hai nước khi tàu tuần duyên Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau va chạm.

Hàn Quốc yêu cầu được xin lỗi

Một điểm nóng khác tại khu vực Đông Bắc Á trong những ngày qua là quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima trên biển Nhật Bản. Đây là nơi cả Seoul và Tokyo tuyên bố chủ quyền từ nhiều năm nay và Hàn Quốc có triển khai một lực lượng bảo vệ bờ biển nhỏ trên đảo. 

Ngày 10-8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thực hiện chuyến thăm đến đây. Ông Lee là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đặt chân đến đảo Dokdo/ Takeshima từ khi tranh chấp giữa hai nước xung quanh nhóm đảo bắt đầu cách đây vài thập kỷ. Nhật Bản sau đó đã triệu Đại sứ tại Seoul về nước nhằm phản đối. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda có thể sẽ hoãn một cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng tới với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. 

Để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo, ngày 13-8, các nhà hoạt động Hàn Quốc cùng với các sinh viên và ca sĩ nổi tiếng tham gia bơi tiếp sức 230 km từ một cảng phía đông tới nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Các cầu thủ bóng đá tham dự Olympic London cũng giơ biểu ngữ "Dokdo là của Hàn Quốc" tại đấu trường Olympic London 2012. Cầu thủ Hàn Quốc này đã không được dự lễ trao huy chương đồng do phá vỡ một quy định chống chính trị hóa Olympic. 

Liên quan đến tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Dokdo/Takeshima, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch tập trận hỗn hợp thủy quân lục chiến gồm lục quân, không quân và cảnh sát biển vào đầu tháng 9 để bảo vệ quần đảo này. Theo báo Korea Herald, Hàn Quốc sẽ cử chiến đấu cơ F-15K, 10 tàu chiến cùng hải quân, cảnh sát biển, không quân, lục quân tham gia. 

Ngày 17-8, Nhật Bản đã đề nghị Hàn Quốc đưa vấn đề tranh chấp quần đảo giữa hai nước ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) nhưng phía Hàn Quốc đã bác bỏ đề nghị này. Theo giới chức Hàn Quốc, khu vực quần đảo Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima do phía Hàn Quốc kiểm soát không phải là khu vực tranh chấp và Hàn Quốc sẽ không buộc phải phản ứng trước đề xuất của Nhật Bản đối với vấn đề này lên tòa án. Theo luật định, Tòa án công lý quốc tế sẽ không xem xét vụ án khi một trong hai bên tranh chấp không đồng ý đưa vấn đề ra trước tòa án.

Biển tiếp tục động mạnh?

Trong rất nhiều năm, Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản là vùng không có người ở đầy nguy hiểm. Nhưng các nước Đông Bắc Á đã tránh leo thang căng thẳng với những quốc gia láng giềng bằng cách kiềm chế mở rộng phạm vi quyền lực hàng hải và nói chung là từ bỏ những hành động gây hấn. Tuy nhiên, những tranh cãi vụn vặt kéo dài giữa Tokyo và Seoul, Bắc Kinh lại một lần nữa khơi lại khi Trung Quốc đang chuẩn bị một cuộc chuyển giao quyền lực và Hàn Quốc sắp bầu cử Tổng thống với việc các chính trị gia của cả hai nước đang gióng lên những hồi trống về chủ nghĩa dân tộc.

Nhà phân tích Stephanie Kleine-Ahlbrandt thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) nhận định cũng giống như tình hình biển Đông, các cá nhân và quan chức cấp dưới ở Trung Quốc đang kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trên biển Hoa Đông, gây sức ép buộc chính quyền trung ương leo thang căng thẳng. 

Trong khi đó, lo ngại quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc - đều là các đồng minh thân cận của Mỹ - căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ ở châu Á và sự hợp tác 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn trên nhiều lĩnh vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland đã hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại. Bình luận về chuyến thăm đảo của ông Lee và động thái giữa hai nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10-8 nói "đây là cuộc tranh chấp lâu dài mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã xử lý một cách thận trọng, nhưng tranh chấp này sẽ còn tiếp tục". Mỹ khẳng định giữ thái độ trung lập trong vấn đề này và hoan nghênh bất kỳ kết quả đàm phán nào giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Khi được hỏi Washington có sẵn sàng bảo vệ Tokyo theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật không, cựu phó ngoại trưởng Mỹ Richard Armitage cho biết Mỹ sẽ có những hành động cần thiết nếu hiện trạng Senkaku thay đổi.

Trong một diễn biến khác, 2 tàu hải quân của Nga chuẩn bị tới Kurils - quần đảo tranh chấp với Nhật Bản (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ Phương Bắc) tại Thái Bình Dương, được cho là một động thái sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ Nga-Nhật. Các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến ghé thăm quần đảo này trong khoảng thời gian từ ngày 25-8 tới 17-9.