Biến cam kết thành hành động trên Biển Đông

ANTD.VN - Tất cả các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và những hội nghị liên quan tại Thái Lan, trong đó có cả Trung Quốc, đều bày tỏ mong muốn duy trì tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông. Điều quan trọng là làm sao biến những cam kết ấy thành hành động trên thực tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm - lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông trong Hội nghị cấp cao ASEAN với Trung Quốc

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 cùng các hội nghị cấp cao liên quan như ASEAN+1 (ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) cùng cấp cao Đông Á giữa ASEAN với các nước đối tác và đối thoại đã kết thúc sau 3 ngày họp tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan với nhiều kết quả quan trọng tích cực. Việt Nam đã tiếp nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020.

Là một trong những chương trình nghị sự xuyên suốt tại diễn đàn ASEAN năm nay, từ Hội nghị cấp cao ASEAN 35 tới các hội nghị liên quan đều bàn thảo và nêu quan điểm, lập trường về vấn đề Biển Đông. Trong đó, điểm thống nhất chung được ghi nhận là các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các bên đối tác và đối thoại hiện diện tại Bangkok những ngày qua đều cho rằng việc duy trì tự do hàng hải và hàng không, không có các hành động gây căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan trên Biển Đông là nhân tố hết sức quan trọng để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực và thế giới. 

Có thể nói, các hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN và những hội nghị liên quan năm nay diễn ra trong bối cảnh bao phủ bởi tình hình căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc gia tăng các hành động quân sự hóa, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam được thừa nhận theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trong đó, đặc biệt là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vùng thềm lục địa của Việt Nam thuộc khu vực bãi Tư Chính trong suốt 3 tháng từ đầu tháng 7 tới tháng 10 vừa qua.

Nhìn nhận rõ những nguy cơ, thách thức, đồng thời tìm kiếm tiếng nói chung, giải pháp để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một trong nội dung được quan tâm hàng đầu khi các thành viên tham dự hội nghị cấp cao thường niên quan trọng nhất của khu vực đều có lợi ích liên quan mật thiết với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác, phát triển ở Biển Đông. Điều này thấy rõ qua quan điểm, cam kết của đại diện những quốc gia tham dự các hội nghị ở Bangkok trong tuần qua.

Trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong dịp tham dự hội nghị, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trưởng đoàn Mỹ dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ đã bày tỏ mong muốn của Tổng thống Donald Trump và chính quyền Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam và ASEAN, ủng hộ vai trò của các nước ASEAN, khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề an ninh và kinh tế tại khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp Thủ tướng nước ta Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định mong muốn kiểm soát tốt bất đồng trên biển, kiềm chế, không để tác động đến tổng thể quan hệ hai nước.

Việc đạt được nhận thức chung về vấn đề duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở Biển Đông là quan trọng, song quan trọng hơn là biến những cam kết này hiện thực. Vấn đề hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông không chỉ tại các hội nghị cấp cao thường niên ASEAN năm nay mà đã nổi lên thành một chương trình nghị sự quan trọng của nhiều hội nghị lớn trong khu vực và quốc tế trước đó, trong đó một trong những vấn đề đặt ra là lời nói không đi đôi với hành động của Trung Quốc. Những gì mà cường quốc này làm ở trên thực tế ở Biển Đông luôn cách xa, trái ngược với cam kết mà họ đưa ra tại các hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế.

Chính vì thế, cần phải biến những cam kết của chính các nước ASEAN cũng như các nước đối tác và đối thoại, nhất là các cường quốc, thành sức mạnh đoàn kết trên thực tế, buộc tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan, chấm dứt hành động quân sự hóa, vi phạm chủ quyền các nước ở Biển Đông. Để thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, các bên phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), đồng thời nỗ lực sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.