Biển Đông vào chương trình nghị sự Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á

ANTD.VN - Những căng thẳng ở Biển Đông là một trong các chương trình nghị sự nổi bật tại Hội nghị cấp cao ASEAN  và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra đầu tháng 11 tới tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), bởi đây là nhân tố đang ảnh hưởng rất lớn tới hòa bình, an ninh, ổn định và môi trường đầu tư, kinh doanh của cả khu vực.

Biển Đông vào chương trình nghị sự Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á ảnh 1Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN tại Bangkok để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại đây vào đầu tháng 11 tới 

Các hội nghị đều “nóng” vì Trung Quốc hung hăng trên Biển Đông

Các nguồn tin ngoại giao mới nhất cho biết, nước chủ nhà Thái Lan và các thành viên ASEAN khác chắc chắn sẽ đề cập tới vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS)  lần thứ 14 diễn ra từ ngày 2 đến 4-11 tới tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Theo Thời báo kinh tế (The Economic Times), những nội dung thảo luận và nhất trí về vấn đề Biển Đông dự kiến được đưa vào các Tuyên bố chung của các hội nghị thượng đỉnh này.

Tờ Thời báo kinh tế cho biết thêm, tình hình liên quan đến sự hung hăng của Trung Quốc tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam sẽ là một trọng tâm thảo luận tại Hội nghị EAS. Ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng, các lãnh đạo tại EAS có thể nêu tình trạng hiện thời và kêu gọi kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. 

Hội nghị cấp cao ASEAN thường niên năm nay và các hội nghị thượng đỉnh liên quan diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính đã gây lo ngại sâu sắc không chỉ với các quốc gia trong khu vực mà cả thế giới. Dư luận chung cho rằng, đây là hành vi leo thang đầy nguy hiểm của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” vốn đã bị Tòa trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ trong phán quyết đưa ra hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Trật tự phải dựa trên luật pháp

Không chỉ Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị thượng đỉnh liên quan năm nay, vấn đề hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông đã nổi lên thành một chương trình nghị sự quan trọng của nhiều hội nghị lớn trong khu vực và quốc tế trước đó khi mà Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng và gây hấn hơn trong việc ráo riết tiến hành quân sự Biển Đông hòng dựa vào sức mạnh để đòi chủ quyền phi lý theo yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Những hành vi hung hăng của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh, ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh của cả khu vực, nhất là khi còn phải chịu thêm những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại quy mô lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một vấn đề phức tạp, là “cuộc tranh chấp 5 nước 6 bên” (gồm Brunei, Đài Loan, Malaysia Philippines, Trung Quốc và Việt Nam), luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng. Thực tế đã cho thấy rất rõ là việc dựa vào sức mạnh để hung hăng đòi chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc chỉ làm thổi bùng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định cũng như tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông. Cách thức giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được tuyệt đại đa số các bên liên quan (trừ duy nhất Trung Quốc) và cộng đồng quốc tế cùng nhất trí là phải thông qua thương lượng hòa bình, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982, tránh đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Giải pháp trên đây, theo các nguồn tin ngoại giao, sẽ được nêu bật tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và EAS đầu tháng 11 tới tại Thái Lan. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Đông Á cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật pháp và sự cần thiết phải có giải pháp hòa bình đối với tranh chấp, cũng như tự do hàng hải ở Biển Đông.