Bí người cầm cương V-League, VPF lên kế hoạch kiếm Tanabe 2.0?

ANTĐ - Dù TGĐ Phạm Ngọc Viễn nhận được số phiếu tín nhiệm cao từ các CLB cho cương vị Trưởng giải, nhưng VPF vẫn dùng dằng chưa quyết định. Vì sao?

TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn (phải) đang được đánh giá là ứng viên sáng giá
cho vị trí Trưởng giải V-League của ông Trần Duy Ly để lại

1. Sau khi mùa giải 2013 kết thúc, Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly và Trưởng BTC giải hạng Nhất Nguyễn Hữu Bàng đồng loạt xin rút về hậu trường để nhường lại sân khấu cho những gương mặt mới, nhưng thực chất là buộc phải từ chức do bị đánh giá là không vững tay chèo trước sóng gió của thời cuộc. Kể từ đó đến nay, VPF vẫn loay hoay chưa biết chọn ai để ngồi vào ghế nóng của những người tiền nhiệm.

Vị trí Trưởng giải hạng Nhất và Cúp QG thì "kiếm hơn" và cũng có khá nhiều ứng cử viên đủ sức đảm đương, nhưng vị trí Trưởng giải V-League mới thực sự là vấn đề lớn. Đến một người giàu tâm huyết, dạn dày kinh nghiệm điều hành như cựu Trưởng giải Trần Duy Ly và “lão thần” Nguyễn Hữu Bàng cũng không thể hoàn thành vai trò như sự kỳ vọng, thì liệu có thể đặt niềm tin vào bất kỳ một “chuyên gia” nào khác trong môi trường bóng đá quốc nội vốn còn đầy rẫy những bất cập về cơ chế và những mối quan hệ zíc-zắc hay không?

2. VPF ra đời bắt nguồn từ đòi hỏi bức thiết về sự đổi mới toàn diện trong công tác điều hành các giải chuyên nghiệp và trong bối cảnh VFF bị phản ứng dữ dội vì sự trì trệ trong cung cách hoạt động của mình. Tuy nhiên, ngoại trừ thời gian đầu gây tiếng vang lớn trong cuộc chiến giành giật bản quyền truyền hình dưới bàn tay đạo diễn của “phó tướng” Nguyễn Đức Kiên, thì kể từ thời điểm ông bầu này vướng vòng lao lý, VPF lâm vào thế yếu và ngày càng bộc lộ những nhược trong công tác quản lý và điều hành các giải chuyên nghiệp. Nhiều CLB công khai thể hiện sự bất hợp tác, thậm chí yêu cầu ngừng giải để tái cấu trúc. Trong khi đó, một số lãnh đạo chủ chốt do bận công việc kinh doanh đã không thế bám sát để đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời. Nó khiến VPF giống như con thuyền không người lái, ngày càng đi sai đường và chệch hướng rất lớn.

Sẽ có một Tanabe 2.0 được mời về "cầm cương" V-League?

3. Không cần phải dư luận lên tiếng, VPF cũng nhận thức rất rõ vấn đề này. Chính bởi vậy, họ đã nhanh tay ký kết một thoả thuận hợp tác với Công ty tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League). Sau sự kiện này, VPF đã mời được chuyên gia Kazyuoshi Tanabe tham gia điều hành tổ chức các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ mùa 2013. VPF đặt kỳ vọng sự hiện diện của ông Tanabe sẽ giúp thúc đẩy quá trình tái thiết V-League, vạch ra các hoạch định, chiến lược và đặc biệt là kiếm ra tiền từ cá giải đấu chuyên nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau hơn 2 tháng làm việc tại Việt Nam, CEO “hàng hiệu” người Nhật Bản bất ngờ lâm trọng bệnh và đứt gánh giữa đường khi chưa kịp để lại bất cứ một dấu ấn nào.

4. Việc ông Tanabe không thể ở lại Việt Nam làm việc là sự cố nằm ngoài mong muốn của VPF. Vì vậy, sau sự ra đi của ông Tanabe, các lãnh đạo cấp cao của VPF vẫn bảo lưu quan điểm tuyển “hàng ngoại” về cầm cương V-League, phần vì muốn tạo sự đột phá trong công tác điều hành vốn đang bị đi theo lối mòn dưới bàn tay chèo lái của “những người muôn năm cũ”, phần vì muốn tạo một thế đứng riêng nhất định nào đó trước sự kèm cặp ngày càng quyết liệt từ VFF.

Và thế là tại cuộc họp đại hội cổ đông VPF hôm 21/11, vấn đền tuyển chuyên gia ngoại lại được đưa lên bàn nghị sự. Chỉ khác một điểm, đó là chuyên gia này sẽ chỉ đảm đương vị trí Trưởng giải V-League. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đương kim TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn, dù nhận được nhiều phiếu tín nhiệm nhất từ các CLB, nhưng các yếu nhân trong HĐQT VPF vẫn ngần ngừ chưa quyết đưa lên ngồi ghế nóng.

Theo nguồn tin của ANTĐ, đầu tháng 12 tới, một số lãnh đạo cấp cao của VPF sẽ có chuyến Đông du để tìm kiếm sự hợp tác mới từ J-League. Rất có thể sau chuyến đi này, một Tanabe phiên bản 2.0 sẽ xuất đầu lộ diện.

Chẳng phải chính ông Phạm Ngọc Viễn cũng đã úp mở: "Không loại trừ khả năng vị trí Trưởng giải sẽ có bất ngờ" rồi đấy thôi...