- [ẢNH] Nga "khoe" hết các loại vũ khí tối tân tại triển lãm Army-2018
- Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng triển khai vũ khí siêu thanh
- Mỹ lập kế hoạch sở hữu vũ khí siêu thanh vào năm 2025
Nga phóng thử thành công tổ hợp Avangard với đầu đạn siêu thanh
Ngay sau khi trực tiếp theo dõi cuộc thử nghiệm lần cuối tổ hợp tên lửa Avangard mang đầu đạn hành trình siêu thanh vào cuối tháng 12-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố trong cuộc họp Nội các: Nga là nước đầu tiên trên thế giới sở hữu một vũ khí chiến lược mới, công cụ bảo vệ tin cậy hòa bình cho quốc gia trong nhiều thập kỷ. Tổng thống V.Putin mô tả đây là một thành công và chiến thắng tuyệt vời, đồng thời hứa hẹn sẽ cung cấp hệ thống tên lửa chiến lược mới cho quân đội vào đầu năm 2019.
Nhưng trong khi ông V.Putin ca ngợi các nhà khoa học thiết kế tên lửa, ông đã bỏ qua một thực tế rằng, một số bộ óc thông minh nhất đằng sau nghiên cứu mang tính đột phá của Nga đang bị điều tra vì tội phản quốc và rò rỉ bí mật cho các đồng nghiệp nước ngoài.
Siêu tên lửa “bất khả chiến bại”
Avangard là tên lửa liên lục địa có khả năng bay gấp 20 lần tốc độ âm thanh mà Tổng thống Nga Vladimir Putin rất tự hào. Nhà lãnh đạo Nga đã nhắc đi nhắc lại rằng đây là loại tên lửa mà không có một hệ thống phòng không hiện tại và tiềm năng nào có thể ngăn chặn được, đơn giản là vì không quốc gia nào có tên lửa nhanh như Avangard và không ai có được công nghệ bí mật này của Nga.
Cơ quan thông tấn Nga cho biết, tên lửa đã được phóng đi từ căn cứ tên lửa Dombarovsky ở vùng núi Ural và nhắm trúng mục tiêu ở Kamchatka, với khoảng cách 6.000km. “Đây là một công trình khó khăn và tốn thời gian, đòi hỏi các giải pháp đột phá trong các lĩnh vực và tất cả những điều này được thực hiện bởi các nhà khoa học, nhà thiết kế và kỹ sư của chúng ta”.
Với những đột phá về vũ khí tối tân mới, Tổng thống Nga V.Putin gửi một thông điệp tới người dân Nga rằng nước Nga vẫn hùng mạnh dù bị bao vây trừng phạt. Và với dư luận nước ngoài, đó là một lời nhắc nhở rằng Nga nên được đối xử như một cường quốc quân sự và hạt nhân.
Avangard được quân đội Mỹ gọi là “tổ hợp bay lượn siêu thanh”. Trang bị tên lửa đẩy cùng loại với thiết bị đẩy vệ tinh hoặc đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa, Avangard có đường bay khác so với các thiết bị có cùng trọng tải khác. Khi đạt tới độ cao khoảng 91km, nơi tiếp giáp giữa bầu khí quyển và không gian vũ trụ, nó sẽ hướng về phía mục tiêu với tốc độ tối đa 27 lần tốc độ âm thanh, đồng thời có khả năng thực hiện các thao tác nhỏ trên đường đi.
Về lý thuyết, một tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn nổ thông thường, đầu đạn hạt nhân hoặc không có đầu đạn nào, thay vào đó, nó dựa vào động lực tuyệt đối để tiêu diệt mục tiêu. Hoạt động tầm thấp và khả năng cơ động cao so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa truyền thống giúp nó khó bị đánh chặn hơn. Cả Mỹ và Nga đều sở hữu các tên lửa đánh chặn mà họ tuyên bố có thể tấn công tên lửa liên lục địa (ICBM), nhưng với Avangard thì dường như là “bất khả chiến bại”.
Tổng thống Nga V.Putin và các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga quan sát vụ thử tên lửa siêu thanh Avangard qua truyền hình
Công nghệ mang tính tối mật
Một đầu đạn bay lượn siêu thanh mang theo vũ khí hạt nhân có được lợi thế so với ICBM cũ, đó cũng là nguyên nhân lý giải tại sao các nghiên cứu về siêu thanh của quân đội Mỹ lại tập trung vào phát triển vũ khí phi hạt nhân có tốc độ cao. Nhưng thực tế, các thiết bị siêu thanh cũng khó đảm bảo tính tin cậy do sức nóng và ma sát khi di chuyển với tốc độ cực nhanh. Khoảng một nửa các thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh của Lầu Năm góc đã kết thúc trong các vụ tai nạn ngoài ý muốn. Tương tự, Nga đã trải qua những khó khăn của riêng mình khi chế tạo và hoàn thiện vũ khí siêu thanh. Cũng bởi vậy mà công nghệ chế tạo vũ khí siêu thanh được coi là tối mật.
Hồi tháng 3-2018, Tổng thống Nga V.Putin lần đầu tiên hé lộ về tổ hợp tên lửa Avangard, khẳng định Nga là nước đầu tiên trên thế giới phát triển công nghệ đột phá đầu đạn lượn siêu thanh. Khi đó, ông nói rằng các tên lửa Avangard, có khả năng di chuyển gấp 20 lần vận tốc âm thanh, có thể tấn công hầu như tất cả các mục tiêu trên thế giới và có thể qua mặt được lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Tháng 7-2018, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố tình nghi ít nhất 10 nhân viên của Roskosmos, cơ quan vũ trụ nhà nước Nga, đã tiết lộ những bí mật hàng đầu về vũ khí siêu thanh cho NATO. Đáng chú ý, FSB đã đột kích vào một công ty con của Roskosmos, Viện nghiên cứu Chế tạo máy Trung ương hay còn gọi là TsNIIMash và bắt giữ một trong những chuyên gia hàng đầu của viện, ông Viktor Kudryavtsev.
Ông này bị cáo buộc chuyển cho NATO các thông tin mang tính kỹ thuật liên quan đến công nghệ siêu thanh sử dụng trong Kh-47M2 Kinzhal, một loại tên lửa đạn đạo siêu thanh được triển khai tại các căn cứ ở Quân khu phía Nam của Nga năm 2017 và Avangard, hệ thống tổ hợp tên lửa được thử nghiệm thành công hôm 26-12-2018.
Luật sư của ông Kudryavtsev, Ivan Pavlov, nói rằng trong tất cả các vụ việc liên quan tới tội danh phản quốc mà ông tham gia, đây là vụ án kỳ quặc nhất. Ông Kudryavtsev, một người bị suy tim, đang đối mặt với án 20 năm tù giam vì đã gửi 2 thư điện tử cho đồng nghiệp châu Âu của ông. Tuần trước, 2 điều tra viên của FSB và một số người mặc đồng phục đeo khẩu trang đen đã đưa nhà khoa học 75 tuổi ốm yếu lên tầng 5 của Tòa án Lefortovo để xét xử.
Vũ khí mới giúp Nga ngẩng cao đầu
Trở lại năm 2003, Chính phủ Nga đã thưởng cho ông Kudryavtsev, một nhà khoa học có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp vũ trụ, vì những cống hiến chương trình không gian đa quốc gia có tên Sea Launch. Sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã hướng đến các dự án an ninh chung, ông Kudryavtsev giữ vai trò điều hành nghiên cứu quốc tế về thiết bị siêu thanh được Điện Kremlin phê duyệt.
Đây là một dự án hợp tác giữa Nga và Viện Von Karman của Bỉ với tổng ngân sách là 651.373 Euro, trong đó Liên minh châu Âu đóng góp 499.999 Euro. Quá trình hợp tác bắt đầu vào năm 2011 và đưa ra báo cáo cuối cùng vào năm 2013, ghi nhận kết quả thu được là “một đóng góp quan trọng cho cộng đồng hàng không vũ trụ (ESA và ROSCOSMOS) để duy trì khả năng cạnh tranh khoa học với các quốc gia khác”. “Các tổ chức nhà nước của Nga như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng có danh sách các bí mật, vì vậy các nhà khoa học thường không biết họ không nên nói về điều gì”, luật sư Pav Pavlov nói.
Khi Liên Xô tan rã, đội ngũ am hiểu về vũ khí hạt nhân của Nga ước tính khoảng 15.000 đến 30.000 người. Nhiều người trong số họ đã từng làm việc trong các tổ chức bí mật, được gọi là hòm thư bưu điện mà không có địa chỉ chính thức. Dư luận đặt câu hỏi, liệu chiến lược “giam hãm nhà khoa học hàng đầu” lần này của ông Putin có phải là nhằm mục đích giữ các nhà khoa học cùng bí mật của họ lần nữa?
Tất cả điều này diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đã thay đổi đáng kể kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và bị phương Tây trừng phạt khi nội chiến ở Ukraine bùng phát vào năm 2014. Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước kiểm soát các lực lượng hạt nhân cùng với cáo buộc Nga gian lận. Mặc dù vậy, Tổng thống Nga dường như không cảm thấy e ngại về một cuộc chạy đua vũ khí và chiến tranh lạnh mới.
Thời điểm năm mới 2019 gần kề, ông Putin ngồi giữa Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serge Shoigu quan sát hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard trên màn hình lớn trong phòng điều khiển của Bộ Quốc phòng Nga ở trung tâm thành phố Mátxcơva và nói: “Đây là món quà năm mới tuyệt vời cho đất nước chúng ta”.