Bí mật phía sau nhà máy xi măng bị cáo buộc giao dịch với IS ở Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lafarge - một nhà máy xi măng được Pháp đầu tư ở Syria, hiện là trung tâm của cuộc điều tra tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, thông tin mới đây cho thấy, đây là một cơ sở bí mật được các cơ quan tình báo phương Tây sử dụng để thu thập thông tin về các con tin bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng bắt giữ.

Lafarge là công ty hàng đầu thế giới về vật liệu xây dựng, có hơn 2.500 nhà máy trên toàn thế giới. Khoản đầu tư của Lafarge vào Syria vào năm 2007 trị giá khoảng 600 triệu euro và họ được coi là một thương hiệu doanh nghiệp có ảnh hưởng của Pháp ở Trung Đông. Nhà máy của Lafarge, gần Jalabiya đã bị IS chiếm giữ vào cuối năm 2014 nhưng sau đó được đặc nhiệm của Mỹ và Pháp giành lại quyền kiểm soát.

Tập đoàn Lafarge trước đó đã thừa nhận sau cuộc điều tra nội bộ rằng, công ty con ở Syria đã trả tiền cho các nhóm vũ trang để giúp bảo vệ nhân viên tại nhà máy. Công ty đang bị điều tra chính thức ở Pháp về nỗ lực duy trì hoạt động, bất chấp đỉnh điểm hoạt động của nhóm khủng bố IS vào năm 2013-2014. Lafarge đã bị cáo buộc trả tới 13 triệu euro thuế và phí cho IS để tiếp tục hoạt động cho dù nằm ở trung tâm phần lãnh thổ do IS kiểm soát. Công ty không phản đối con số này và thừa nhận đã trả phí cho người trung gian nhưng cho biết họ không biết đích đến của số tiền này.

Cựu Giám đốc điều hành Bruno Lafont, cũng như cựu Giám đốc an ninh Jean-Claude Veillard, và cựu Giám đốc công ty con của công ty tại Syria, Frédéric Jolibois, đã bác bỏ cáo buộc tài trợ cho một tổ chức khủng bố và gây nguy hiểm đến tính mạng của những người khác. Tòa án cấp cao nhất của Pháp tuần trước đã phán quyết rằng, nhà máy Lafarge vẫn có thể bị điều tra về cáo buộc đồng lõa với tội ác chống lại loài người trong quá trình hoạt động ở Syria. Họ có thể phải đối mặt lên đến 10 năm tù và phạt tiền nếu bị kết án.

Tuy nhiên, một sĩ quan tình báo Jordan tiết lộ, nhà máy Lafarge hoạt động trong bối cảnh nhóm khủng bố IS đánh chiếm miền Đông Syria còn đóng một vai trò khác, đó là làm cơ sở thu thập thông tin tình báo về các con tin bị IS bắt giữ.

Trong vòng 3 năm, ông Ahmad al-Jaloudi - một sĩ quan kỳ cựu của Tổng cục Tình báo Jordan (GID) dưới vỏ bọc là cán bộ quản lý rủi ro cấp cao của Lafarge đã thực hiện nhiều chuyến đi từ nhà máy Lafarge, nằm giữa Raqqa và Aleppo của Syria, qua trung tâm của cái gọi là Vương quốc Hồi giáo đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là Amman để báo cáo tình hình.

Ông Ahmad al-Jaloudi và toàn cảnh nhà máy xi măng Lafarge gần Jalabiya, miền Bắc Syria

Ông Ahmad al-Jaloudi và toàn cảnh nhà máy xi măng Lafarge gần Jalabiya, miền Bắc Syria

Ông Jaloudi cũng đã đến Raqqa để gặp một thủ lĩnh của IS nhằm thương lượng thả phi công Jordan bị bắt khi chiếc máy bay chiến đấu F-16 bị rơi gần Raqqa. Phi công này sau đó đã bị IS thiêu sống, quay phim và phát sóng để tuyên truyền, đánh dấu một trong những khoảnh khắc ghê rợn nhất trong cuộc nổi dậy kéo dài 5 năm của tổ chức khủng bố này.

“Tôi rất tự hào về công việc mà tôi đã làm là cố gắng giải phóng con tin, phi công người Jordan, và bảo vệ các công nhân tại nhà máy. Tôi đã cung cấp thông tin tình báo chính xác theo thời gian thực có thể giúp giải cứu những người bị giam giữ được giải cứu”, ông Jaloudi xác nhận vai trò của mình. Vai trò của ông ta đã được các điệp viên ở Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Jordan biết đến, tất cả đều giúp ông ta tiếp cận vòng trong một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới, đi qua các trạm kiểm soát của IS và sống sót sau sự giám sát không ngừng của phiến quân.

Các nguồn tin tình báo đã xác nhận rằng, ông Jaloubi không đóng vai trò gì trong hoạt động thương mại của công ty và đây là một trong những đặc vụ quan trọng nhất hoạt động trong lãnh thổ IS thời điểm ngặt nghèo đó.