Bí mật chuyện Nga bán Su-35 cho Trung Quốc

ANTĐ - Trong Nguyệt san tháng 11 của Tạp chí quốc phòng Canada - Kanwa Defence Review, chuyên gia quân sự Andrei Chang đã tiết lộ về vấn đề, ai là người đưa ra quyết định bán các loại vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc. 

Thời gian qua, rất nhiều người thắc mắc về vấn đề tại sao Nga lại bán các vũ khí công nghệ cao hàng đầu của mình như máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35, hệ thống phòng không S-400 và tàu ngầm Amur-1650 cho Trung Quốc trong khi họ luôn khẳng định là Trung Quốc đã sao chép rất nhiều loại vũ khí của mình, gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp quốc phòng nước mình? Họ không sợ Trung Quốc nhái được các vũ khí tiên tiến này chăng? Không phải!

Tạp chí Kanwa cho biết, quyết định bán hay không bán không phải do các cơ cấu công nghiệp quốc phòng Nga quyết định. Chắc chắn là công ty chế tạo máy bay Sukhoi, Tập đoàn chế tạo hàng không Thống Nhất, Tổng cục quản lý xuất khẩu vũ khí quốc gia và Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport là những người phản đối đầu tiên, vì lo ngại vấn đề Trung Quốc sao chép các loại vũ khí Nga. Vấn đề ở đây có thể liên quan đến chính trị.

Ông Andrei Chang (tức Pinkov) - chuyên gia quân sự người Canada gốc Hoa của Kanwa cho biết, ngay từ đầu năm nay, rất nhiều quan chức quốc phòng Mỹ đã đề nghị gặp ông để tìm hiểu về vấn đề đàm phán giao dịch mua Su-35 giữa Nga và Trung Quốc. Ông cũng hiểu rằng, thực chất các vị quan chức này đều là nhân viên tình báo trá hình, họ nguyên là các cựu sĩ quan hải quân, không quân… dày dạn kinh nghiệm, gia nhập Cục tình báo quốc phòng sau khi trải qua một khóa huấn luyện về thông tin tình báo.

Andrei Chang khẳng định, việc nhiều người nghĩ hiện nay Nga sẵn sàng bán các loại vũ khí công nghệ cao của mình vì tiền là quan điểm sai lầm, tất cả những giao dịch thương mại vũ khí hiện nay bị chi phối phần lớn bởi các yếu tố chính trị. Rất có thể chính 2 vị nguyên thủ quốc gia Nga V.Putin và D.Medvedev mới là những người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra quyết định xuất khẩu các loại vũ khí công nghệ cao hàng đầu cho Trung Quốc. 

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga

Vấn đề này đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ chứ không phải là bây giờ mới xuất hiện. Đơn cử ví dụ là tháng 7 năm 2010, cả 2 công ty chế tạo máy bay hàng đầu của Nga là Sukhoi và Mikoian đồng loạt kiến nghị với chính phủ Nga, phản đối hợp đồng bán động cơ RD-93 cho Trung Quốc, nguyên nhân là do sợ ảnh hưởng đến gói thầu bán 32 máy bay Mig-29 cho Ai Cập. 

Thế nhưng, Nga vẫn tiếp tục bán động cơ cho Trung Quốc bất chấp mọi cố gắng ngăn cản của các công ty sản xuất máy bay nội địa. Về sau không rõ vì lí do gì, đột nhiên cả Mikoian và Sukhoi lại quay ngoắt 360 độ, tán thành việc xuất khẩu động cơ cho Trung Quốc, bất kể những tác hại đến xuất khẩu máy bay Nga. Sau đó, Trung Quốc đã mua hàng trăm động cơ loại này, lắp ráp trên các máy bay JF-17 bán cho Pakistan.

Hoặc trong giai đoạn đầu thế kỷ này, việc Nga bán các hệ thống phòng không S-300 PMU2 và tàu ngầm Kilo cũng đã từng gây ra rất nhiều tranh cãi trong chính giới Nga, nhưng cuối cùng, quyết định bán vẫn được thông qua, bất chấp hậu quả là sau này Trung Quốc đã áp dụng một số công nghệ Nga để chế tạo ra hệ thống phòng không HQ-9 và tàu ngầm thông thường Type 041.

Còn cách giải thích nào hợp lý hơn là các cấp lãnh đạo Nga đã can thiệp các thương vụ mua bán động cơ này vì lí do chính trị?