Bi kịch với nữ sinh viên 20 tuổi ở Tây Bengal, Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đầu tháng 5-2021, Jana, một nữ sinh viên 20 tuổi đã bị 2 gã đàn ông sát hại ở một ngôi làng cách Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal khoảng 70km. Cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa nộp các cáo buộc chính thức lên tòa án. Vụ việc một lần nữa cho thấy thực tế rằng, Ấn Độ vẫn là một trong những nơi nguy hiểm và bất công đối với phụ nữ.
Người biểu tình đòi công lý, bao gồm cả lời kêu gọi treo cổ những kẻ hiếp dâm

Người biểu tình đòi công lý, bao gồm cả lời kêu gọi treo cổ những kẻ hiếp dâm

Ngày 2-5-2021, bà Mamata Banerjee và đảng của bà đã giành chiến thắng bầu cử ngoạn mục ở Tây Bengal, đánh bại đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi. Và bà Mamata Banerjee là người phụ nữ duy nhất ở Ấn Độ làm Thủ hiến bang tới 3 nhiệm kỳ. Chỉ 1 ngày sau sự kiện được coi là lịch sử đó, trong khi các đài truyền hình còn đang bàn luận về việc chiến thắng của “người phụ nữ quyền lực” Banerjee, thì xảy ra bi kịch đối với Jana.

“Thủ phạm nằm trong đám thợ xây đang xây nhà cho gia đình cô gái. Cô gái bị 2 đối tượng dồn vào chân tường. Khi cô ấy phản đối, bọn họ đã dùng vũ lực cưỡng hiếp nạn nhân”, cảnh sát cho biết. Điều tra của cảnh sát cho thấy, trong đám thợ xây có một phụ nữ nhưng cũng không làm được gì, để cho những gã đàn ông bóp nghẹt Jana đến chết.

Các bạn học luôn nhớ đến Jana là một cô gái dũng cảm, luôn lên tiếng chống lại sự bất công. Với gia đình, cô là một cô gái sôi nổi, yêu âm nhạc và đam mê du lịch. “Jana gần đây đã tham gia một khóa thanh nhạc và đang theo đuổi một cách nghiêm túc”, chị gái cô nói thêm rằng, cha mẹ cô gái suy sụp hoàn toàn, không chỉ vì điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra với Jana mà còn vì nó xảy ra ngay trong nhà họ.

Cảnh sát cho biết, họ đã bắt giữ 3 nghi phạm trong vụ án của Jana nhưng vẫn chưa nộp các cáo buộc chính thức lên tòa án. Vài ngày sau vụ giết người, gia đình đã viết thư cho Thủ hiến bang, hy vọng bà Banerjee sẽ hối thúc giải quyết sự việc, nhưng họ không nhận được phản hồi. Sự chậm trễ đã khiến gia đình thất vọng và tức giận.

“Chúng tôi sẵn sàng đấu tranh cho công lý. Nhưng gia đình tôi vẫn nghi ngờ rằng công lý thực sự sẽ không bao giờ được thực thi”, chị gái 25 tuổi của Jana nói.

Vụ việc một lần nữa cho thấy thực tế rằng, Ấn Độ vẫn là một trong những nơi nguy hiểm và bất công đối với phụ nữ. Theo báo cáo tội phạm hàng năm của Bộ Nội vụ năm ngoái, cứ 15 phút nước nước này lại có một vụ hiếp dâm được trình báo. Hầu hết các thủ phạm đều có quen biết nạn nhân.

Năm 2012, sau vụ hiếp dâm tập thể và giết hại dã man một nữ sinh viên trên xe buýt ở Delhi, nạn bạo lực tình dục của Ấn Độ đã được cả thế giới chú ý. Hàng nghìn người đã xuống đường đòi công lý cho nạn nhân, người được truyền thông biết gọi tên Nirbhaya, nghĩa là không sợ hãi. Do áp lực của dư luận, luật mới đã tăng gấp đôi án tù cho những kẻ hiếp dâm lên 20 năm và 4 thủ phạm bị thi hành án tử hình vào tháng 3-2020. Tuy nhiên, dường như có rất ít thay đổi ở Ấn Độ. Số liệu của chính phủ cho năm 2020 cho thấy, 244.000 trường hợp hiếp dâm và bạo lực tình dục đối với trẻ em đang chờ tòa án giải quyết.

Luật sư Vrinda Grover cho biết, các cải cách pháp lý được đưa ra vào năm 2013 như một phản ứng trước sự phản đối kịch liệt của công chúng, nhưng bạo lực tình dục vẫn tiếp diễn vì “nhà nước và xã hội không sẵn sàng đầu tư các nguồn lực để thay đổi bất bình đẳng cơ bản, phân biệt đối xử và định kiến với phụ nữ”. Tuy nhiên, bà Grover cảm thấy lạc quan về tương lai vì “phụ nữ không còn sẵn sàng chịu đựng trong im lặng”. “Họ đang thách thức và lên tiếng chống lại tất cả các hình thức bạo lực tình dục, đặt ra một quy chuẩn làm nền tảng cho sự an toàn của bản thân và quyền tự chủ về tình dục như là các khía cạnh của phẩm giá và quyền riêng tư của phụ nữ”, luật sư Vrinda Grover nói.