Bi kịch chung trong nỗi đau riêng

ANTĐ - “Bán độ”, động từ nghiệt ngã ấy một lần nữa khiến bóng đá Việt Nam chấn động. Nỗi đau của “bầu” Trường, của V.Ninh Bình cũng là bi kịch của cả một nền bóng đá, bao năm nay  chưa từng thôi nghi ngờ, chưa từng thôi day dứt. 

Khi nghe thông tin về vụ bán độ ở Ninh Bình bị phanh phui, người ta lại nhớ đến câu nói của ông Đoàn Nguyên Đức, “ông bầu” của HAGL và của U19 Việt Nam cách đây chưa lâu: “Tôi không muốn cho lứa U19 của mình đá V-League vì sợ môi trường đó sẽ làm hỏng các em”. Khi đó, người ta chỉ cho rằng “bầu” Đức sợ V-League quá bạo lực có thể khiến đôi chân của những Công Phượng, Văn Toàn sớm “hỏng”. Nhưng những gì đang diễn ra ở Ninh Bình cho thấy “bầu” Đức muốn những cầu thủ trẻ của mình cách ly môi trường V-League, bởi ông còn sợ họ hỏng cả “cái đầu”, không trụ được trước những cám dỗ tầm thường.

800 triệu đồng để dàn xếp tỉ số, cụ thể hơn ở đây là để trận đấu có nhiều bàn thắng theo ý “nhà cái”. 11 cầu thủ tham gia, trong đó có đến 6 người từng là tuyển thủ quốc gia, 4 người từng được gọi lên tuyển U23. Chia cho tất cả, người nhiều nhất cũng chỉ được 85 triệu đồng, một con số không nhỏ, nhưng cũng khiến nhiều người giật mình, không hiểu vì sao các cầu thủ có thể bán đi đạo đức và sự chuyên nghiệp, thậm chí có thể đánh đổi cả tương lai một cách rẻ mạt như vậy.

Mạnh Dũng, Gia Từ, Ngọc Anh, Văn Thắng, Danh Ngọc… tất cả đều là những cái tên từng là niềm hy vọng lớn của bóng đá Việt Nam, nhưng rồi cũng không thể thoát ra nổi cám dỗ mà những kẻ làm độ chuyên nghiệp rót vào tai. Trong suy nghĩ của những cầu thủ này, có lẽ chỉ đơn giản là kết quả trận đấu không làm ảnh hưởng lắm đến V.Ninh Bình, càng không làm ảnh hưởng đến thể diện quốc gia, mà lại vẫn “có tiền”. Nhưng họ, đáng trách là, không thể nghĩ rằng những việc khuất tất ấy sẽ đóng chặt lại tương lai của họ, và nó có thể giết chết cả một nền bóng đá khi người hâm mộ hoàn toàn quay lưng.

Đáng trách hơn với những cầu thủ trẻ của Ninh Bình, khi ngay bên cạnh họ hàng ngày, hàng giờ là một tấm gương với bài học nhãn tiền về chuyện bán độ, nhưng lại không thể rút ra được bài học cho mình. Các cầu thủ Ninh Bình hẳn phải là những người hiểu hơn ai hết người đồng đội Văn Quyến đã phải trải qua những gì, đã khổ sở, vật vã như thế nào để vớt vát lại sự nghiệp sau khi nhúng chàm ở SEA Games 23. Quyến ngày ấy cũng như những Mạnh Dũng, Gia Từ bây giờ, dại dột và mù quáng. Nhưng tiền đạo này ít nhất còn có cơ hội để làm lại, còn những cầu thủ vừa nhúng chàm ở V.Ninh Bình, có lẽ không bao giờ…

Nỗi đau của “bầu” Trường, của HLV Nguyễn Văn Sỹ và của người hâm mộ bóng đá Ninh Bình bây giờ cũng là nỗi đau, là bi kịch chung của bóng đá Việt Nam. Người ta cứ đặt câu hỏi vì sao ở các sân cỏ Việt, khán giả không đông. Đơn giản thôi, vì khán giả nhìn đâu cũng thấy bán độ, cũng thấy dối trá, cũng thấy “kịch”, thì có lẽ thời gian ấy, họ bỏ tiền đi mua vé vào rạp xem kịch thật có lẽ sẽ  đỡ bức xúc hơn. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi mới nhậm chức có nói rằng “Yếu tố cốt lõi để kéo người hâm mộ đến sân là tính trung thực trong bóng đá”. Và bây giờ, tất cả đang chờ xem ông cũng như VFF sẽ làm thế nào để trả lại sự trung thực cho bóng đá nước nhà, trả lại niềm tin cho người hâm mộ. Bởi có một lẽ giản đơn, mất niềm tin thì sẽ mất tất cả.

VFF đặt dấu chấm hết cho cầu thủ bán độ

Trong nhiều vụ tiêu cực trước đây, VFF thường “mở đường sống” cho các cầu thủ. Tuy nhiên, với tính chất nghiêm trọng của sự việc tại Ninh Bình, Liên đoàn đang quyết tâm sẽ không cho các cầu thủ sai phạm có cơ hội sửa chữa, để làm gương. Cụ thể, từ Malaysia, trong cuộc làm việc với chủ tịch AFC Salman Bin Ibrahim Al-Khalifa, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định những cầu thủ liên quan đến vụ bán độ lần này ở CLB Ninh Bình, sẽ bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Đây được đánh giá là một quyết định nặng tay, nhưng cần thiết vào thời điểm này. Trong khi đó, VFF cũng sẽ nhờ AFC hỗ trợ chống tiêu cực để làm trong sạch bóng đá Việt Nam.