Bị giám sát hành trình, xe khách vẫn “đua” tốc độ

ANTĐ - Hàng loạt vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian ngắn khiến người dân không khỏi lo ngại về độ an toàn của xe ô tô khách. Đáng sợ hơn là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT xe khách thời gian gần đây lại do các nhà xe “đua” tốc độ trên đường. 
Bị giám sát hành trình, xe khách vẫn “đua” tốc độ ảnh 1

Nhức nhối TNGT liên quan xe khách chạy quá tốc độ

Xe khách chạy như trong phim hành động

Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người dân cả nước đã bàng hoàng về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Đà Nẵng làm 7 người thiệt mạng. Cụ thể, vào ngày 29-4, trên đường tránh Nam Hải Vân, xe khách BKS: 74B-002.37 của HTX Xe khách Trung Nam (TP.HCM) lưu thông đến ngã tư đường tránh - đường Bà Nà suối Mơ thì va chạm với xe ô tô 4 chỗ BKS: 43A-123.15. 4 người trên xe ô tô 43A-123.15 chết tại chỗ, 2 người đi xe khách chết tại bệnh viện và 1 người bị thương nặng. Tuy nhiên, nạn nhân bị thương nặng là chị Nguyễn Thị Hương M. (SN 1988) sau 8 ngày được nỗ lực cứu chữa cũng đã tử vong vào chiều 6-5. Các bác sỹ ở Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, chị M. đang mang thai tháng thứ hai. 

Kết quả kiểm tra dữ liệu hộp đen của xe khách BKS: 74B-002.37 cho thấy, tại thời điểm xảy ra tai nạn, chiếc xe chạy với tốc độ 85km/h. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, tốc độ này là quá cao khi xe khách lưu thông qua ngã tư. Ngày 2-5, CAH Hòa Vang, Đà Nẵng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với lái xe khách là Lê Nhật Phương. 

Vụ việc còn đang được xử lý thì ngày 7-5 vừa qua, 2 chiếc xe khách cùng đua tốc độ trên đường đã gây ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 4 người chết ở Trà  Vinh. Cụ thể, 9h ngày 7-5 tại cầu Ba Si, trên QL53 thuộc địa bàn xã Phượng Thạnh, huyện Càng Long, xe ô tô khách giường nằm của nhà xe Thanh Thủy BKS: 84B - 001.27 chạy theo hướng TP. HCM đi Trà Vinh, do tránh vượt xe ô tô khách BKS: 84B - 002.53 của nhà xe Kim Hoàng chạy cùng chiều phanh đột ngột, đã va chạm với 3 xe máy chạy ngược chiều, làm 4 người chết tại chỗ và 2 khác bị thương nặng. Hai nạn nhân này hiện vẫn đang hôn mê sâu sau các cuộc phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kiểm tra dữ liệu từ thiết bị GPS đối với 2 xe khách nêu trên tại thời điểm xảy ra tai nạn cho thấy, xe 84B-001.27 chạy với tốc độ 121 km/h, xe 84B-002.53 chạy với tốc độ 110 km/h. Công an tỉnh Trà Vinh đã tạm giữ hình sự lái xe Phạm Văn Phương (48 tuổi) điều khiển xe khách 84B-001.27. 

Hộp đen lắp để trang trí?

Từ năm 2013, Bộ GTVT đã yêu cầu hơn 50.000 xe ô tô chở khách phải lắp đặt thiết bị GPS để quản lý, giám sát. Theo đó, tại mỗi doanh nghiệp vận tải, Sở GTVT địa phương và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều có bộ phận theo dõi, giám sát hoạt động của các xe thông qua thiết bị GPS. Tuy nhiên, điều mà dư luận không hiểu là vì sao có tới  3 lớp bảo vệ, cảnh báo mà tình trạng xe khách chạy đua tốc độ vẫn diễn ra.

Sau vụ tai nạn ở Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã mở rộng kiểm tra toàn bộ phương tiện xe khách của HTX xe khách Trung Nam, phát hiện chỉ có 116/143 phương tiện truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ theo quy định, nhưng trong số 116 phương tiện truyền về thì có đến 91 phương tiện hay vi phạm tốc độ ở mức cao. Lái xe đã cố tình phớt lờ cảnh báo quá tốc độ của hộp đen, nhưng còn bộ phận theo dõi của doanh nghiệp, của Sở GTVT và của Tổng cục Đường bộ đã ở đâu trong những thời điểm ấy? Lẽ nào lắp đặt hộp đen chỉ để trang trí và quy trách nhiệm sau khi hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra? 

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, trách nhiệm trước tiên thuộc về lái xe, người điều hành vận tải của doanh nghiệp xe khách. “Công tác giám sát của Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ cũng còn hạn chế nhất định, cần phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế cảnh báo từ thiết bị GPS tới cơ quan chức năng, lực lượng thực thi trên đường”, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận.  

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, cần đánh giá lại kết quả của thiết bị GPS, không thể chỉ đầu tư cho đẹp. “Trung tâm thông tin giám sát GPS tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Sở GTVT, doanh nghiệp. Các Sở GTVT căn cứ vào kết quả này, đối chiếu lại số liệu nếu thấy khớp phải xử lý nghiêm, nếu sai lệch phải tìm được nguyên nhân. Do con người thì phải xử lý, do máy móc thì phải thay thế”, ông Nguyễn Hồng Trường yêu cầu. Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, sắp tới Bộ này sẽ ban hành quy định bổ sung về trách nhiệm trong khai thác, xử lý dữ liệu từ thiết bị GPS đối với các cơ quan liên quan.