Bí ẩn sau quyết định bất ngờ hoãn từ chức của Thủ tướng Lebanon

ANTD.VN - Ngay sau khi trở về Beirut đầu tuần vừa rồi, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri tuyên bố hoãn từ chức, phần nào giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng đang gây căng thẳng khắp Trung Đông nhưng vẫn còn những điều khó hiểu phía sau loạt động thái bất ngờ của nhà lãnh đạo này.

Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri trở về Beirut trong sự chào đón của công chúng

Với nhóm phóng viên Reuters, ngay khi ông Saad al-Hariri đột ngột tuyên bố từ chức hôm 4-11, họ đã thấy có gì đó rất bất thường. Bài phát biểu có những lời tố cáo Hezbollah và Iran với thái độ thù địch khác lạ, trong khi ngôn ngữ cơ thể và đôi mắt chớp liên tục của ông Hariri càng làm tăng mối nghi ngờ. Họ nhận thấy phụ tá cũng như đồng nghiệp của ông Hariri cũng ngạc nhiên như họ. Hơn nữa, một số sợ không dám nói chuyện qua điện thoại, khiến các phóng viên quyết tâm tìm ra sự thật về chuyện động trời này.

Sự thật được hé lộ rằng điện thoại của ông Hariri đã bị tịch thu, rằng ông đã phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ trước khi được đưa cho bài diễn văn từ chức mà ông buộc phải đọc trên truyền hình. Câu trả lời quan trọng nhất lúc bấy giờ là liệu Thủ tướng Lebanon có tự nguyện từ chức? Từ nguồn tin đáng tin cậy, phóng viên Reuters có được thông tin, ông Hariri được lệnh phải từ chức và bị quản thúc tại gia. Và sự thật đằng sau tuyên bố từ chức đó chính là Lebanon đã bị đẩy lên tuyến đầu trong cuộc đấu quyền lực giữa Arập Xêút và Iran.

Được biết, sau khi hạ cánh tại Beirut hôm 21-11, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đã đến thăm mộ cha mình, ông Rafiq Hariri. Điều đó ẩn chứa thông điệp, “triều đại” Hariri vẫn đứng vững sau vụ ám sát người sáng lập - ông Rafiq năm 2005 và âm mưu hạ bệ ông Saad vừa qua.

Có thể trong thời gian rời Lebanon, Thủ tướng Saad al-Hariri đã xem xét lại việc từ chức từ tư vấn của Ả-rập Xê-út hay Pháp - 2 chính quyền có ảnh hưởng chính trị đối với ông. Ông al-Hariri sẽ vẫn là thủ tướng trong tương lai gần, đặc biệt khi mà sự nổi tiếng của ông đã tăng lên trong 2 tuần qua và việc tìm kiếm người thay thế sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian do người “đóng thế” phải đáp ứng tiêu chuẩn là người Sunni, có sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội và Tổng thống.

Hiện vẫn chưa rõ Ả-rập Xê-út có vai trò gì đằng sau quyết định hoãn từ chức của ông Saad Hariri. Tạp chí Stratfor - chuyên về tình báo địa chính trị phân tích, có thể quốc gia Trung Đông này nghĩ lại bởi nếu Thủ tướng Lebanon từ chức do sức ép, họ sẽ chịu phản ứng dữ dội trên khắp Trung Đông vì bị coi là “giật dây” mọi chuyện. Cũng có thể Ả-rập Xê-út nhận ra ông al-Hariri vẫn có giá trị trong việc thách thức ảnh hưởng của Iran ở Lebanon. 

Vậy hiện giờ kịch tính trên chính trường Lebanon đã chấm dứt? Chưa hẳn, bởi Lebanon với một bộ phận dân số là người Hồi giáo dòng Shiite, sự góp mặt của nhóm chiến binh Hezbollah trong nội các và sự hậu thuẫn của Iran thông qua nhóm này là những thách thức lâu dài đối với Ả-rập Xê-út. Ả-rập Xê-út vẫn sẽ tăng áp lực đối với Lebanon. 

Những gì mà Thủ tướng Saad al-Hariri làm thời gian qua về cơ bản là “mua” thời gian và không gian để hòa giải, nhằm đạt được một sự thỏa hiệp quốc tế. Như vậy, một Lebanon nhỏ bé, kẹt giữa sự tranh giành ảnh hưởng của các thế lực thời gian tới sẽ tiếp tục phải khéo léo và mạnh mẽ hơn để vừa duy trì được chính sách đối ngoại trung lập, vừa củng cố sức mạnh nội tại nhằm chiến thắng áp lực từ bên ngoài.