Bên trong xe tăng Abrams Ukraine bị Nga bắn hạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lính đặc nhiệm Nga chui vào kiểm tra xác xe tăng M1A1 SA Abrams của Ukraine bị bắn hạ gần làng Berdychi, cho thấy nội thất xe gần như còn nguyên vẹn. Điều này chứng tỏ giáp bảo vệ kíp lái xe tăng rất tốt.

Truyền thông Nga hôm 20/4 vừa công bố video từ máy quay gắn trên mũ của trinh sát đặc nhiệm mang biệt danh "Izay" và "Leshy" thuộc cánh quân Trung tâm, ghi lại cảnh họ tiếp cận và lục soát xe tăng M1A1SA Abrams của Ukraine gần làng Berdychi, tây bắc thành phố Avdeevka thuộc tỉnh Donetsk.

Đây là chiếc xe tăng Abrams thứ hai của Ukraine bị vô hiệu hóa trong chiến đấu. Binh sĩ Nga đã dùng súng chống tăng RPG bắn đứt xích xe tăng, trước khi nó bị kíp drone tự sát của Lữ đoàn Bộ binh cơ giới Độc lập số 30 tập kích.

Xe tăng M1A1SA Abrams của Ukraine bị Nga bắn cháy
Xe tăng M1A1SA Abrams của Ukraine bị Nga bắn cháy

"Chúng tôi được giao nhiệm vụ kiểm tra tình trạng chiếc xe, xác định nó còn nguyên vẹn hay đã cháy rụi bên trong, cũng như thu thập tối đa những thiết bị trong xe", binh sĩ Leshy cho hay.

Hai lính Nga thừa nhận không dễ tiếp cận xác xe tăng Abrams, do vị trí này nằm gần cứ điểm của Ukraine. Cả hai bên đều không thể triển khai phương tiện cơ giới để kéo chiếc M1A1SA Abrams khỏi hiện trường, do pháo binh và thiết bị bay không người lái (drone) tự sát đối phương thường xuyên hoạt động.

Xe tăng M1A1SA Abrams của Ukraine bị Nga bắn cháy
Xe tăng M1A1SA Abrams của Ukraine bị Nga bắn cháy

"Mọi phương tiện đến gần chiếc xe tăng Abrams sẽ chịu chung số phận với nó. Không có lý do gì để tiêu tốn khí tài như vậy", binh sĩ Izay cho hay.

Trong video, lính đặc nhiệm Izay chạy tới xác chiếc Abrams, trèo lên xe và chui vào bên trong, trong khi Leshy đứng ngoài cảnh giới và yểm trợ đồng đội. Hàng loạt tiếng pháo và súng vang lên giữa lúc Izay kiểm tra nội thất xe tăng Abrams.

Clip đặc nhiệm Nga tiếp cận xe tăng M1A1 SA Abrams

Hình ảnh do binh sĩ này quay được cho thấy chiếc xe tăng Abrams bị đứt xích, nhưng phần nội thất gần như còn nguyên vẹn. Điều này cho thấy giáp của xe rất tốt và có thể đã bảo vệ an toàn cho kíp lái trong lúc xe bị hỏa lực Nga tấn công dồn dập.

Nhóm đặc nhiệm Nga không tiết lộ họ thu thập được gì từ chiếc Abrams, nhưng khẳng định nó "không có gì đặc biệt" so với xe tăng T-90 của Nga. "Tôi trông đợi nhiều hơn thế", Izay nói.

Bộ Quốc phòng Nga tới nay đã tuyên bố phá hủy ba xe tăng Abrams của Ukraine, trong đó một chiếc bị xe tăng T-72B3 hạ ngay từ phát đạn đầu tiên.

Truyền thông phương Tây cho biết số xe tăng M1A1SA Abrams mà Ukraine nhận của Mỹ "không phải hàng mới" và đã bị loại bỏ tất cả công nghệ nhạy cảm nhất, trong đó có giáp làm bằng hợp kim chứa uranium nghèo, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại. Điều này khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn trước nhiều loại tên lửa chống tăng phổ thông.

Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất
Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất

M1A1SA Abrams là phiên bản nâng cấp từ loại xe tăng chủ lực M1 Abrams do hãng General Dynamics của Mỹ sản xuất năm 1985. Năm 1986, nó được đưa vào biên chế của quân đội Mỹ.

M1A1SA Abrams có lớp giáp bảo vệ tốt hơn so với phiên bản trước đó. Tháp pháo phía trước và giáp thân có thêm lớp giáp composite tiên tiến được gia cố bằng uranium để bảo vệ tốt hơn.

Một trong những cải tiến quan trọng nhất của xe tăng M1A1SA Abrams là được trang bị pháo nòng trơn M256 cỡ nòng 120mm, ban đầu được phát triển bởi Rheinmetall 2A5 của Đức. Khẩu pháo này có thể khai hỏa chính xác vào các mục tiêu ở khoảng cách 4 km.

Pháo sử dụng đạn xuyên giáp đặc biệt M829A2 được Mỹ phát triển để chống lại các xe tăng đối phương. Với cơ số đạn là 40 viên, trong đó có 34 viên đạn được cất giữ trong tháp pháo, trong khi 6 viên khác được cất giữ trong khoang chiến đấu.

Ngoài pháo chính là M256, M1A1SA Abrams còn trang bị hai khẩu súng máy M240D cỡ nòng 7,62 mm, một khẩu đồng trục, một súng lắp trên nóc do xạ thủ vận hành và súng máy Browning M250 12,7 mm do chỉ huy vận hành.