Bê bối của một số cựu Tổng thống Argentina

(ANTĐ) - Mặc dù Chính phủ Argentina và Venezuela đều lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của lãnh đạo phe đối lập và cựu ứng viên Tổng thống Elisa Carrio, nhưng cựu Tổng thống Nestor Kirchner vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào xung quanh vấn đề trên. Chính phủ Venezuela và Argentina cho rằng, quyết định mở cuộc điều tra nhằm vào Đệ nhất phu quân Nestor Kirchner mang động cơ chính trị.

Bê bối của một số cựu Tổng thống Argentina

(ANTĐ) - Mặc dù Chính phủ Argentina và Venezuela đều lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của lãnh đạo phe đối lập và cựu ứng viên Tổng thống Elisa Carrio, nhưng cựu Tổng thống Nestor Kirchner vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào xung quanh vấn đề trên. Chính phủ Venezuela và Argentina cho rằng, quyết định mở cuộc điều tra nhằm vào Đệ nhất phu quân Nestor Kirchner mang động cơ chính trị.

Từ cáo buộc tham nhũng đối với ông Nestor Kirchner

Tuy cuộc điều tra đã bắt đầu nhưng dư luận cho rằng, các nhân viên điều tra sẽ khó tìm được bằng chứng buộc tội cựu Tổng thống Nestor Kirchner cho dù có thể làm được đối với 2 cựu Bộ trưởng về 30 vụ tham nhũng. Theo cáo buộc của bà Elisa Carrio, cựu Tổng thống Nestor Kirchner và một số quan chức dưới quyền đã “chia chác” xung quanh một số hợp đồng xây dựng lớn cùng nhiều giấy phép khoan dầu khác.

Dưới thời Tổng thống Nestor Kirchner, Bộ trưởng Kinh tế Felisa Josefina Miceli từng phải ra đi vì bị cáo buộc tham nhũng sau khi người ta tìm thấy 64.000 USD giấu trong nhà vệ sinh tại phòng làm việc của bà. Nhiều quan chức cấp cao của quân đội cũng dính vào tham nhũng.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cũng bị kéo vào vụ kiện này bởi bà Elisa Carrio cho rằng, ông đã ký một bản hợp đồng “mờ ám” với cựu Tổng thống Nestor Kirchner cách đây 4 năm liên quan tới việc mua nhiên liệu và hàng hóa. Khoản ngân quỹ trị giá 90 triệu USD để hoàn tất hợp đồng kể trên đã không cánh mà bay.

Cách đây không lâu, giới truyền thông từng đề cập tới vụ án liên quan tới Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner. Tòa án Mỹ vừa kết án 2 thương nhân Venezuela vì có liên quan tới tội vận chuyển 800.000 USD tiền mặt vào Argentina. Điều đáng nói là số tiền này bị cáo buộc dùng để chi cho chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống của bà Cristina Fernandez de Kirchner hồi cuối năm 2007.

 Ngoại trưởng Argentina Jorge Taiana từng triệu Đại sứ Mỹ Earl Anthony Wayne để phản đối việc FBI tìm cách hối lộ nhân chứng người Argentina liên quan tới vụ án kể trên. Bộ Tư pháp Argentina từng nhiều lần yêu cầu Mỹ dẫn độ Guido Alejandro Antonini Wilson tới nước này để làm rõ những cáo buộc cho rằng, ông ta đã bí mật ủng hộ Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner trong cuộc tranh cử vừa qua.

Bắt dẫn độ cựu Tổng thống

Ông Nestor Kirchner từng gọi lệnh truy nã quốc tế đối với cựu Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron là biểu hiện tính công bằng của pháp luật: không ai được phép đứng trên luật pháp. Ngày 14-1, cựu Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron đã được dẫn độ từ Tây Ban Nha về nước theo yêu cầu của Tòa án Argentina.

Trước đó nhân vật này đã bị từ chối dẫn độ, song vẫn bị quản thúc tại gia. Việc dẫn độ cựu Tổng thống Argentina Isabel Maria Estela Martinez de Peron về nước nhằm phục vụ một cuộc điều tra liên quan tới vụ án “mất tích” của nhà chính trị đối lập Hector Aldo Fagetti Gallego trong thời gian bà tại vị.

Thẩm phán Raul Acosta muốn thẩm vấn bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron về 3 sắc lệnh hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố quốc gia. Việc bắt giữ bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron cho thấy, Argentina đã sẵn sàng lật lại cuộc điều tra nguồn gốc của cái gọi là “Chủ nghĩa khủng bố dưới sự bảo hộ của Nhà nước đã gây ra hàng nghìn cái chết trong những năm 1970”. Cựu Tổng thống Isabel Maria Estela Martinez de Peron bị cáo buộc đã đẩy Argentina tới chế độ độc tài đẫm máu.

 Bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron là vợ thứ 3 của cố Tổng thống Juan Domingo Peron. Khi đương nhiệm, bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron từng thành lập biệt đội tử thần với bí danh “Liên minh chống cộng Triple A” và cái chết của nhiều nhà hoạt động cánh tả đối lập thời kỳ đó đều có liên quan tới đơn vị bí mật này. Sau khi bị lật đổ (năm 1976) và bị giam giữ 5 năm, bà Isabel Maria Estela Martinez de Peron đã tới sống lưu vong tại Tây Ban Nha kể từ năm 1981 đến khi bị bắt dẫn độ.

Đến xét xử cựu Tổng thống Carlos Saul Menem

Tòa án Argentina mới khai đình hôm 16-10 để xét xử cựu Tổng thống Carlos Saul Menem với tội danh buôn lậu vũ khí và nếu bị chứng minh có tội, ông sẽ phải đối mặt với bản án 12 năm tù, cùng một khoản tiền phạt khá lớn. Ông Carlos Saul Menem không xuất hiện tại phiên tòa 16-10 vì lý do sức khỏe, nhưng luật sư của cựu Tổng thống có trách nhiệm thông báo lại những thông tin từ tòa án.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài khoảng 7 tháng và triệu tập tới làm chứng hơn 500 người. Cách đây hơn 1 năm, Thẩm phán Rafael Capuro từng ra lệnh phong tỏa số tài sản trị giá 360 triệu Peso (khoảng 112,8 triệu USD) và truy tố ông Carlos Saul Menem vì bị cáo buộc đồng phạm trong vụ buôn bán vũ khí trái phép sang Croatia và Ecuador khi còn đương nhiệm.

Vụ buôn bán vũ khí trái phép diễn ra trong thời gian 1991-1995 và đã khiến Argentina tổn thất tới 400 triệu Peso. Ông Carlos Saul Menem gặp khá nhiều trắc trở kể từ khi rời nhiệm sở như bị quản thúc 6 tháng (từ 7-6-2001), sống lưu vong...

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)