Bất ổn - một góc nhìn khác

(ANTĐ) - Những diễn biến rối ren tại một số nước ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông tiếp tục gây nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Người biểu tình ở Cairo (Ai Cập) vẫn chưa về nhà, dù Tổng thống Mubarak đã từ chức được hơn 1 tuần.

Bất ổn - một góc nhìn khác

(ANTĐ) - Những diễn biến rối ren tại một số nước ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông tiếp tục gây nhiều lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Người biểu tình ở Cairo (Ai Cập) vẫn chưa về nhà, dù Tổng thống Mubarak đã từ chức được hơn 1 tuần.

Người biểu tình ở Cairo (Ai Cập) vẫn chưa về nhà

Người biểu tình ở Cairo (Ai Cập) vẫn chưa về nhà

Suốt cả tuần, thế giới chứng kiến những cuộc nổi dậy, phản kháng mạnh mẽ diễn ra tại nhiều nước cùng chung khu vực với Tunisia và Ai Cập. Biểu tình đông đảo nổ ra hằng ngày tại Yemen, Algeria và gần đây là Bahrain, Jordan rồi đến Libya, Iran. Có người bảo đó là hội chứng hoa nhài - loài hoa biểu tượng của ngành du lịch Tunisia. Nhưng nhìn sâu xa thì bên cạnh hiệu ứng lan rộng bất ổn từ Tunisia, Ai Cập, còn kể đến các thế lực cơ hội chính trị tranh thủ những pha lộn xộn để thể hiện mình. Rối ren ở nhiều nước thuộc khu vực do vậy càng lâm vào rối ren hơn, người dân vô tội cực khổ tứ bề.

Căng thẳng ở Ai Cập không hề thuyên giảm sau khi ông Mubarak từ chức Tổng thống, để lại khoảng trống quyền lực về tay quân đội. Giới chuyên gia cảnh báo các cuộc biểu tình đòi tăng lương có nguy cơ bùng phát trở lại. Ngân hàng Trung ương Ai Cập quyết định tiếp tục đóng cửa các ngân hàng ít nhất tới hết ngày mai 20-2 và thị trường chứng khoán nước này cũng ngừng hoạt động. Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập khẳng định mọi vấn đề sẽ không thể giải quyết nếu đình công không chấm dứt vì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Tại Tunisia, tình hình xã hội sau cuộc lật đổ chính phủ khá rối ren. AFP cho biết nhiều vụ xâm phạm tư gia, ăn trộm, cướp bóc, phá hoại các khu rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã xảy ra, khiến người dân không dám cho trẻ nhỏ ra đường và không dám về nhà muộn. Những tên cướp có vũ trang hoành hành khắp nơi. Tình trạng vô chính phủ nếu không được ngắn chặn thì nhiều người dân lành còn là nạn nhân vô tội của rối ren và mất trật tự xã hội.

Và còn nhiều diễn biến khác tại một số quốc gia khu vực. Nhưng, có một phản ứng mới đáng ghi nhận từ phía cộng đồng quốc tế là cảnh báo tác dụng ngược khi phương Tây cổ vũ dân chủ quá đà và khuyến khích - thậm chí thúc đẩy làn sóng nổi dậy ở Trung Đông tiếp sau các cuộc biểu tình mới gây chấn động thế giới A-rập... Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, việc khuyến khích làn sóng nổi dậy ở Trung Đông tiếp sau các cuộc biểu tình mới gây chấn động thế giới Arập là phản tác dụng. Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng cảnh báo không nên áp đặt chế độ dân chủ theo mô hình cụ thể. Matxcơva kêu gọi kiềm chế, trong khi Anh và Mỹ yêu cầu các chính quyền nhượng bộ những yêu cầu của người biểu tình.

Một Trung Đông, Bắc Phi bất ổn, không hề có lợi cho kinh tế thế giới. Điều này khẳng định tại sao, khi nổi dậy lan rộng ở khu vực trên, những nỗi lo mới lại xuất hiện và mang lại nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế và phát triển bền vững toàn cầu khi giá dầu, chứng khoán thế giới cùng biến động.

Tô Trung Phan