- Đại lễ Vesak tại chùa Bái Đính, Ninh Bình
- Giáo hội Phật giáo chúc mừng Công an Thủ đô nhân ngày truyền thống
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014 được tổ chức trọng thể tại Việt Nam vào hồi tháng 5
Ngày 30-10 tại New York (Mỹ), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã giới thiệu về các chính sách và thành tựu nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong phiên thảo luận về “Thúc đẩy và bảo đảm quyền con người” của Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 69.
Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm triển khai các luật và văn bản luật này trên thực tế. Việt Nam cũng luôn có thiện chí, sẵn sàng đối thoại với các nước để tự hoàn thiện mình trong lĩnh vực quyền con người.
Giảm nghèo toàn diện và bền vững là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền con người. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức quốc tế ngợi ca là kỳ tích, xứng đáng để nhiều nước học tập. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDG) về xóa đói, giảm nghèo.
Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật. Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan báo in với hơn 1.000 ấn phẩm. Người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với các kênh truyền hình lớn của nước ngoài... Theo khảo sát của WeAreSocial, một tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu, số người dùng Internet ở Việt Nam cũng cao hơn mức trung bình của thế giới.
Bất kể ai có cách nhìn khách quan khi đến Việt Nam cũng sẽ chứng kiến sự sống động của các hoạt động tôn giáo. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức.
Quyền tự do lập hội, hội họp được quy định trong Hiến pháp (điều 69) và được pháp luật bảo vệ bằng nhiều văn bản luật, dưới luật. Ở Việt Nam hiện có khoảng 460 hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh, thành phố; 20 tổ chức công đoàn ngành; hơn 36.000 tổ chức hội, hiệp hội, câu lạc bộ ở cấp địa phương, hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việt Nam cũng luôn tôn trọng các quyền cơ bản của những người bị tạm giữ, tạm giam. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của những người bị tạm giữ, tạm giam. Mới đây nhất, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Tất nhiên, cũng như ở mọi quốc gia khác, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Một điều chắc chắn rằng ở Việt Nam tuyệt đối không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”.
Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 là minh chứng về sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu quyền con người của Việt Nam. Ngày 30-10, Đại sứ Nguyễn Phương Nga tuyên bố, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các đối tác trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Đây là cam kết thể hiện rõ ràng rằng bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam.