Bạo lực với phụ nữ - Nỗi ám ảnh trong xã hội Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một cô gái tuổi vị thành niên bị tấn công đến chết ngoài đường khi những người dân đi ngang qua. Một bé gái nhỏ tuổi hơn cũng chịu số phận tương tự dưới bàn tay của chính cha mình vì cô và mẹ muốn ngủ ngoài hiên. Hai sự kiện kinh hoàng này diễn ra cách nhau 10 ngày ở Ấn Độ vào tháng trước.
Cô gái 16 tuổi bị bạn trai đâm chết giữa đường ở khu vực Shahbad Dairy, Thủ đô New Delhi, Ấn Độ hồi cuối tháng 5-2023

Cô gái 16 tuổi bị bạn trai đâm chết giữa đường ở khu vực Shahbad Dairy, Thủ đô New Delhi, Ấn Độ hồi cuối tháng 5-2023

“Xã hội của chúng ta đã trở thành cái gì?”

“Trong 10 năm qua, chúng ta đã chứng kiến những vụ bạo lực và giết người khủng khiếp”, Jayna Kothari, một luật sư cao cấp tại Tòa án Tối cao Kothari nổi tiếng với việc điều tra các vụ án liên quan đến giới tính cho biết. Khoảng thời gian đó khởi đầu bằng dấu mốc là sự kiện “Nirbhaya”, một nữ sinh viên 23 tuổi qua đời sau khi bị cưỡng hiếp tập thể trên một chiếc xe buýt ở Delhi vào năm 2012. Dư luận đã hy vọng vụ án giết người gây sốc này sẽ tạo ra một bước ngoặt trong cách tiếp cận đối với phụ nữ Ấn Độ. Nhưng dù luật pháp Ấn Độ bảo vệ phụ nữ mạnh mẽ hơn, trên thực tế có rất ít thay đổi. Bà Swati Maliwal, Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi đặt câu hỏi: “Cường độ của tội phạm, tần suất của tội phạm và sự tàn bạo của tội ác đã tăng lên. Xã hội của chúng ta đã trở thành cái gì?”.

Theo luật sư Kothari, nhà chức trách đã trở nên quá tự mãn kể từ sau vụ tấn công tàn bạo đối với Nirbhaya. Sau vụ án, một số cải cách được thực hiện, ví dụ tăng hình phạt tối thiểu cho hành vi hiếp dâm lên 7 năm tù và tăng độ tuổi quan hệ đồng thuận từ 16 lên 18. Nhưng bà Kothari chỉ ra rằng, vụ việc ở quận Surat của Gujarat vào ngày 19-5, trong đó người chồng lấy dao đâm vợ và con gái mình vì họ muốn ngủ trên sân thượng chứ không phải trong nhà, như một bằng chứng cho thấy bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề phổ biến.

Hay vụ tấn công ở Delhi, nơi mọi người đi ngang qua khi một cô gái bị gã đàn ông đâm liên tục, đặc biệt đáng lo ngại. Điều đó cho thấy sự thờ ơ của xã hội đối với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái. Luật sư Kothari nói: “Tôi nghĩ tại sao vụ án đó lại gây sốc đến vậy, nó xảy ra quá trắng trợn ở nơi công cộng. Gần như về mặt xã hội, mọi người không thấy điều gì sai trái. Xã hội của chúng ta đã trở nên như thế nào để cho phép một thanh niên làm được điều đó và những người xung quanh cũng đồng ý?”.

Xói mòn niềm tin

Những vụ việc gần đây nhất chỉ là vụ mới nhất trong một chuỗi dài các tội ác khiến dư luận phẫn nộ về việc liệu chính phủ có làm đủ để bảo vệ phụ nữ và trừng phạt những kẻ tấn công hay không. Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia của Ấn Độ, tội phạm đối với phụ nữ đã tăng 87% trong vòng 10 năm từ năm 2011 đến 2021, hầu hết các trường hợp liên quan đến chồng hoặc nhà chồng nạn nhân.

Yogita Bhayana, người sáng lập Tổ chức Những người chống hiếp dâm ở Ấn Độ, cho biết “thật đáng tiếc” khi người Ấn Độ đã “học cách chung sống với tình huống như vậy”. Theo bà Bhayana, nhiều trường hợp không được trình báo một phần do văn hóa xấu hổ của nạn nhân trong một xã hội vẫn còn mang tính gia trưởng cao và sự thiếu tin tưởng vào cảnh sát. Bà Swati Maliwal, Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. “Tất nhiên là có chế độ gia trưởng, có sự coi thường phụ nữ và nó đang lan rộng. Nhưng điều khác biệt ở đây là các chính trị gia của chúng ta không sẵn sàng cam kết và hành động. Vì vậy, họ sẽ đổ lỗi cho người dân trong khi thực ra không phải người dân mà là lỗi hệ thống”.

Gần đây, một số đô vật nữ nổi tiếng Ấn Độ tuần hành phản đối liên quan đến yêu cầu điều tra về cáo buộc quấy rối tình dục của Chủ tịch Liên đoàn đấu vật Ấn Độ Brij Bhushan Sharan Singh. Sau một cuộc họp kéo dài hàng tuần, đến tháng 4-2023, cảnh sát chấp nhận điều tra một vụ việc, tức 4 tháng sau khi đơn khiếu nại ban đầu được nộp. Cho đến tháng 5, các đô vật, trong đó có một số vận động viên Olympic nổi tiếng, tiếp tục biểu tình nhưng đã bị cảnh sát bắt giam. Bà Maliwal cho rằng, việc bắt giữ họ càng làm xói mòn niềm tin vào cảnh sát và hệ thống tư pháp. “Ngày mai, nếu một cô gái bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm sao cô ấy có đủ can đảm để tố cáo. Khi những ngôi sao lớn như vậy của đất nước… còn không được xét xử công bằng thì hy vọng gì cho ai?”, bà Maliwal nói.