Bạo lực tràn lan các quần đảo Caribean sau bão

ANTD.VN - Siêu bão Irma gây thiệt hại nghiêm trọng các đảo Caribean. Nó không chỉ phá hủy cơ sở vật chất, tài sản mà còn đem đến tình trạng cướp bóc bạo lực, gây biết bao nỗi tuyệt vọng cho người dân nơi đây.  

Cảnh cướp bóc sau bão Irma trên đảo St. Martin

Đảo St. Martin thời khắc bình minh, người dân tập trung và lặng lẽ lên kế hoạch để sống sót sau cơn bão Irma. Họ đến các cửa hàng tạp hóa, nhặt nhạnh những gì cần thiết cho cuộc sống như nước, bánh quy, trái cây...

Cướp bóc vì thiếu thốn

Nhưng bắt đầu tối 7-9, những ngày tìm kiếm thực phẩm trở nên hết sức nguy hiểm khi các nhóm cướp bóc có vũ trang, đột nhập và lấy đi bất cứ thứ gì giá trị còn lại như thiết bị điện tử và phương tiện. Jacques Charbonnier (63 tuổi) ở St. Martin cho biết: “Tất cả thực phẩm đều đã biến mất, mọi người đang giành giật trên đường phố vì những gì còn lại”.

Không chỉ các cửa hàng mà nhà của người dân khá giả cũng trở thành mục tiêu bị tấn công khiến không ít người dân Pháp và Hà Lan sinh sống trên hòn đảo thuộc địa này phải tháo chạy ra sân bay về quê. Một phụ nữ kể lại với Đài Truyền hình BMFTV: “Chúng tôi muốn rời đi bằng mọi giá, ở đâu cũng thấy mất an ninh, cướp bóc và tối nào cũng nghe tiếng súng nổ. Tôi đã mất nhà cửa, mất hết rồi”. 

Trong một vài ngày kể từ khi bão Irma làm chao đảo vùng Đông Bắc Caribean, khiến hơn 20 người tử vong và san lấp 90% số tòa nhà trên đảo, nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là cuộc sống của cộng đồng người dân khi tình trạng mất an ninh gia tăng. Các cư dân của St.Martin và những nơi khác trong khu vực đã nói về sự tan rã chung của hệ thống luật pháp và an ninh trật tự khi những người sống sót phải vật lộn trong tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thông tin liên lạc.

Khi báo cáo về sự tuyệt vọng gia tăng liên tục đến từ khu vực vào cuối tuần qua, Chính phủ Anh, Pháp và Hà Lan đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ, trước những lời chỉ trích của dư luận về phản ứng quá chậm trễ. Chính phủ Pháp và Hà Lan cho biết họ đang gửi thêm quân để khôi phục lại trật tự, cùng với viện trợ đang được vận chuyển bằng máy bay vào khu vực.

Nỗ lực của Chính phủ  

Sau một cuộc họp khẩn cấp với Chính phủ ngày 10-9, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông sẽ có chuyến đi thị sát đến St. Martin, vùng lãnh thổ thuộc Pháp ngày 11-9. Ông Macron cũng công bố sẽ tăng gấp đôi số quân của Pháp tới khu vực, từ 1.100 đến 2.200 quân để ứng phó với tình trạng lộn xộn ở St. Martin.

Vấn đề thông tin hiện nay cũng là đòi hỏi bức thiết. Tin tức trên đảo chủ yếu là qua truyền miệng khi hệ thống dịch vụ điện thoại di động bị phá hủy. Nảy sinh tình trạng tin đồn thất thiệt không kiểm chứng được như tin đồn hàng trăm người đã chết, một số tù nhân trốn thoát từ một nhà tù ở địa phương.

Chính phủ Pháp phủ nhận tin đồn về việc này. Tuy nhiên, một số cư dân đã nói về việc chứng kiến bạo lực giữa những người chiến đấu chống lại những kẻ cướp bóc có trang bị vũ khí ở các cửa hàng tạp hóa. Trong đó có sự việc nghiêm trọng, những người đàn ông có vũ trang đã bước vào khách sạn Flamboyant ở Marigot, thủ phủ của đảo St. Martin gõ cửa phòng của khách du lịch, chĩa súng đe dọa và cướp đi những vật có giá trị. 

 Quân đội Pháp ở St. Martin và St. Barthélemy, nơi bị tàn phá bởi cơn bão, thông báo rằng họ đã thực hiện 23 vụ bắt giữ. Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Pháp cho hay: “Các nguồn lực mạnh mẽ nhất đã được gửi đến đảo Antilles. Chính phủ huy động tất cả những gì có thể”.

Phía lãnh thổ Hà Lan của hòn đảo này cũng trải qua những vụ cướp cửa hàng không có chiều hướng giảm. Chính phủ Hà Lan cho biết hơn 265 nhân viên quân sự Hà Lan được điều động tới đảo và 250 người nữa sẽ được gửi tới khu vực trong vài ngày tới để duy trì trật tự và hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ. Ngoài ra, 90 cảnh sát được đưa đến từ Curaçao, một lãnh thổ khác của Hà Lan tại Caribean. 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc với những kẻ cướp bóc trên hòn đảo St. Martin khi nhấn mạnh rằng cảnh sát và quân đội sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan, Ronald Plasterk cũng cho biết còn khoảng 33.000 người sống ở phần phía Nam của đảo Caribean như Aruba và Curaçao, cũng là một phần của Vương quốc Hà Lan đang cần tăng cường an ninh.

“Lương thực, nước uống và an ninh là những ưu tiên hàng đầu trên hòn đảo, nhưng nạn cướp bóc chưa được kiểm soát, dễ dàng gia tăng khi hoàn cảnh, “phức tạp”, Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan cho biết.