Bạo lực làm “cực” đội tuyển

ANTĐ - Mới chỉ qua 2 vòng đấu, V-League đã có tới 6 thẻ đỏ và hơn 60 thẻ vàng - con số kỷ lục trong 10 năm trở lại. Nỗi ám ảnh về bạo lực sân cỏ ở V-League “làm hại” ĐT Việt Nam theo đó mà lớn dần.

V-League 2013 mới khai màn, bạo lực đã leo thang

Ở V-League, nạn bạo lực chưa bao giờ được kiểm soát. Ở đó, cầu thủ vừa đóng vai “thủ phạm” lại vừa là “nạn nhân”. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh – Phó ban Tư vấn đạo đức, ví von: “Cầu thủ chính là tấm gương phản chiếu cách cư xử của người lớn (lãnh đạo đội bóng). Nhìn vào lối chơi và lối sống của một cầu thủ, người ta có thể đánh giá đội bóng đó có kỷ luật, có văn hóa hay không”.

Tất nhiên, chuyện siết kỷ luật hay xây dựng văn hóa cho V-League sẽ còn là câu chuyện dài ở… thì tương lai xa. Nhưng nỗi lo thói quen bạo lực sẽ theo các cầu thủ lên tuyển, gây nguy hại đến giấc mơ vàng SEA Games cuối năm nay đã hiện hữu.

Trong quá khứ, ĐT Việt Nam không ít lần phải gánh chịu hậu quả từ nạn bạo lực ở V-League. ASIAD 2010, Ngọc Anh và Văn Hiếu bị đuổi thẳng cổ khiến U23 Việt Nam thua tan nát U23 CHDCND Triều Tiên. Một năm sau, tại VFF Cup 2011, Chu Ngọc Anh tiếp tục gây “ấn tượng” với cú phi thẳng gầm giày vào ống quyển đối phương để rồi nhận thẻ vàng thứ 2 trận gặp Uzbekistan, rồi đến Văn Thắng với pha triệt hạ thủ môn Myanmar khiến anh này không thể tiếp tục thi đấu và phải nhờ người đỡ, lê từng bước cực nhọc vào phòng thay đồ. Kết quả là tại SEA Games sau đó, dù có tên trong danh sách chính thức song “tội đồ” Văn Thắng không được HLV Falko Goetz trao niềm tin. Nghiêm trọng hơn, ngay cả những cựu binh dạn dầy kinh nghiệm như Thành Lương, Tấn Tài hay Trọng Hoàng cũng nhiều lần thiếu kiềm chế, để rồi đẩy đồng đội vào thế 10 chống 11. Dù ở trường hợp nào, mọi lời biện minh sau đó đều trở nên vô nghĩa.

Ở ĐT Việt Nam, HLV Hoàng Văn Phúc chưa phải đối mặt thế thiếu người. Dễ hiểu khi những trận đấu vừa qua, ĐT Việt Nam không bị đặt vào thế phải đá “chết bỏ” bởi thành tích chỉ là thứ yếu. Nhưng tại SEA Games 27 vào cuối năm – giải đấu mà ĐT Việt Nam bắt buộc phải giật vàng như chỉ tiêu Tổng cục TDTT đặt ra, mọi chuyện chắc chắn sẽ khác. Vũ khí của ĐT Việt Nam lúc này là sự nhiệt huyết của các cầu thủ trẻ, song nếu không biết cách hài hòa, rất có thể sự nhiệt huyết thái quá sẽ biến thành hành động nông nổi và hậu quả thì thật khó lường.

Trở lại với V-League 2013, Trọng Hoàng (SLNA) nhận thẻ đỏ vòng 1 thì ngay vòng 2, đến lượt “tội đồ” Văn Thắng (Thanh Hóa) - người có tên trong cả 2 lần tập trung ĐT Việt Nam năm 2013 - phạm điều tương tự. Nhắc lại để thấy, “mầm họa” bạo lực chưa bao giờ được loại bỏ khỏi ĐT Việt Nam và lo xa không bao giờ thừa.