Báo in Mỹ - cuộc suy thoái khó bề chấm dứt
(ANTĐ) - Ngày 6-5-2010, ban lãnh đạo Washington Post tuyên bố sẽ bán tờ “Newsweek” do những khoản thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp. Chiều cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng quản trị Washington Post Donald Graham đã bay đến New York gặp mặt các nhân viên làm việc cho tờ báo này.
Số phận của “Newsweek” sẽ đi tới đâu sau khi bị rao bán? |
Cùng chung số phận
“Các bạn đã rất cố gắng để giảm thua lỗ cho “Newsweek”, song chúng tôi vẫn không trông thấy hy vọng về lợi nhuận doanh thu”, ông Donald Graham nói. Chính vì vậy, công ty đã phát thông cáo báo chí, mời người mua tham dự đấu giá để hoàn thành việc bán “Newsweek” trong một vài tháng tới.
“Newsweek” bắt đầu phát hành số đầu tiên năm 1933 và năm 1961 thì trở thành tờ báo dưới quyền của Washington Post. Tính đến nay, “Newsweek” đã được phát hành ở 11 nước trên thế giới và riêng trang điện tử của nó cũng thu hút được hơn 5 triệu người dùng. Tuy nhiên, từ năm 2007-2009, “Newsweek” liên tục bị thua lỗ và bước sang năm nay tình hình vẫn không được cải thiện. Tháng 2-2009, lượng phát hành trong nội địa của “Newsweek” vẫn đạt 2,6 triệu bản, song đến tháng 1-2010 chỉ còn 1,5 triệu. Nếu như năm 2008 mức thua lỗ là 16,1 triệu USD thì con số này của năm 2009 lên tới 29,3 triệu USD.
Số phận của “Newsweek” cũng khá giống “Bussiness Week”, tờ tạp chí bị bán cho Bloomberg vào tháng 10-2009. “Bussiness Week” thành lập năm 1929, phát hành tại 140 nước và khu vực với 936.000 bản mỗi số. Theo tính toán, thu nhập năm của tạp chí này khoảng 100-150 triệu USD, tuy nhiên thu nhập quảng cáo đã liên tục giảm suốt 7 năm qua. Và dù đã từng đứng vững trong thời kỳ suy thoái 1920-1930, nó cũng không thể chịu được sức công phá của cuộc khủng hoảng kinh tế và cơn bão internet, đành chấp nhận bị bán đi.
Trước đó, ngày 31-3-2009 được coi là một ngày mất mát với độc giả Chicago khi tập đoàn Chicago Sun Times tuyên bố phá sản sau một thời gian nỗ lực dùng mọi biện pháp để cứu vãn như cắt giảm nhân viên, giảm lương… nhưng không hiệu quả.
Cơn bão đa phương tiện
Theo dự báo của các chuyên gia, quá trình thu hẹp quy mô của báo in Mỹ sẽ còn tiếp tục. Mới đây, Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ đã công bố báo cáo về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp truyền thông, cho biết báo in truyền thống của Mỹ đang đứng trước những thách thức cực kỳ to lớn. Năm 2009, thu nhập từ quảng cáo của các tờ báo Mỹ bao gồm cả các trang điện tử đã giảm tới 26%. Ngày 26-4-2010, Cục Kiểm toán phát hành Mỹ (ABC) cũng công bố con số cho thấy lượng phát hành hàng ngày của báo in Mỹ từ tháng 10-2009 đến tháng 3-2010 đã giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tờ “Nhật báo phố Wall” trở thành tờ báo duy nhất ở Mỹ có lượng phát hành tăng dù chỉ 0,5%.
Còn lại, các “đại gia” như “USA Today”, “New York Times”, “Los Angeles Times” và “Washington Post” đều chung nỗi buồn với mức phát hành giảm lần lượt 13,6%, 8,5%, 14,7% và 13,1%. Số lượng người đặt mua báo in giảm, tức là doanh nghiệp quảng cáo cũng sẽ giảm, nhất là khi quảng cáo trên điện tử bắt mắt hơn, lại còn dễ giám sát lượng người xem hơn. Để bù đắp, nhiều tờ báo bắt đầu thu phí trang tin điện tử, tuy nhiên đại đa số vẫn chưa xác lập một phương thức kinh doanh đúng nghĩa.
Báo in Mỹ đang ở trong tình cảnh khốn khó chưa từng thấy. Nhiều tờ báo cùng lúc lên tiếng công kích, buộc tội báo mạng và các trang tìm kiếm như google đã xâm phạm bản quyền báo in để kiếm lời bất chính. Tuy vậy, đây cũng chỉ như một đòn phản công kém hiệu lực, và báo in Mỹ sẽ chẳng đạt được gì nếu không tự tìm được hướng đi thích hợp.
Bảo Trâm
(Theo Sohu)