Bảo hiểm tiền gửi tăng lên 75 triệu: Khó đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

ANTD.VN - Thay vì 50 triệu đồng như hiện hành, trong trường hợp tổ chức tín dụng bị phá sản, số tiền bảo hiểm khách hàng nhận được sẽ tăng lên... 75 triệu đồng. 

Đây là nội dung được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm cho các khoản tiền gửi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức chi trả chỉ tăng gấp rưỡi so với thời điểm cách đây 12 năm là quá lạc hậu bởi thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên gấp gần 5 lần.

Bảo hiểm tiền gửi tăng lên 75 triệu: Khó đảm bảo quyền lợi người gửi tiền ảnh 1Mức tăng chi trả bảo hiểm tiền gửi tăng lên 75 triệu đồng là quá thấp

Quá lạc hậu!

Bảo hiểm tiền gửi là một chính sách được triển khai ở nhiều nước nhằm bảo vệ người gửi tiền vào ngân hàng, một phần hay toàn bộ, trước những thiệt hại do ngân hàng không có khả năng hoàn trả khoản tiền gửi của khách khi đến hạn. Hệ thống bảo hiểm tiền gửi là một bộ phận cấu thành của cơ chế bảo vệ hệ thống tài chính nhằm đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính đó. 

Hiện tại, mức bảo hiểm tiền gửi ở nước ta đang là 50 triệu đồng, được áp dụng từ năm 2005 đến nay. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mức chi trả này được các chuyên gia đánh giá là quá lạc hậu!

Đề xuất lần này của Ngân hàng Nhà nước với mức tăng gấp rưỡi - lên 75 triệu đồng, vẫn bị cho là lạc hậu, vì theo các chuyên gia, bảo hiểm tiền gửi phải gấp 3-5 lần thu nhập bình quân đầu người. Với mức thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm năm 2005 là 715 USD (khoảng 10 triệu đồng) thì số tiền bảo hiểm của chúng ta lúc đó đã cao gấp 5 lần thu nhập bình quân trên đầu người.

“GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng liên tục qua nhiều năm và ước đạt khoảng 50 triệu đồng trong năm 2016, do đó, con số chi trả hợp lý phải từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Mức 75 triệu đồng theo tôi là quá thấp” - chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Bùi Quang Tín, thời điểm năm 2002, có đến 80% số người gửi tiền trong tài khoản là dưới 50 triệu đồng, 20% còn lại ở mức trên 50 triệu đồng thì năm 2015, tỷ trọng tiền gửi có số tiền dưới 50 triệu chỉ chiếm 19% tổng lượng tiền gửi trong năm. Như vậy, trong trường hợp phải chi trả bảo hiểm thì trên 81% tổng lượng tiền gửi không được chi trả đủ 100% cả gốc và lãi.

Việc tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là nhu cầu bức thiết nhưng nó cũng làm tăng rủi ro vỡ Quỹ bảo hiểm tiền gửi khi có ngân hàng phá sản thực sự. Vì vậy, việc tăng cường “sức khỏe” của Quỹ bảo hiểm tiền gửi là rất cần thiết trong thời điểm này. Do đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cần phải thay đổi việc đóng phí bảo hiểm của các ngân hàng, theo đó, các ngân hàng sẽ đóng phí bảo hiểm tùy vào mức độ rủi ro của mình. Cụ thể, ngân hàng nào rủi ro cao thì phải đóng nhiều và ngược lại.

Bảo hiểm tiền gửi đang bị... lãng quên?

Theo các chuyên gia ngân hàng, ngoài vai trò chi trả bảo hiểm cho khách hàng thì nhiệm vụ của bảo hiểm tiền gửi cũng phải được tăng cường. Tại nhiều nước trên thế giới, một trong các chức năng của bảo hiểm tiền gửi là ngăn ngừa, xử lý những khủng hoảng của ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn vi mô cho toàn bộ hệ thống tài chính, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn, đặc biệt là các ngân hàng sau tái cấu trúc thông qua hình thức M&A (mua bán và sáp nhập). 

Tuy vậy, theo TS Bùi Quang Tín, những hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại vừa qua tại Việt Nam không hề có một dấu ấn nào từ công ty bảo hiểm tiền gửi, hầu như người gửi tiền cũng “lãng quên” bảo hiểm tiền gửi khi gửi tiền vào ngân hàng. 

Hiện nay, thế giới có 3 mô hình bảo hiểm tiền gửi cơ bản là mô hình chi trả, mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng và mô hình giảm thiểu rủi ro. Căn cứ Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, có thể xác định mô hình bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam là mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng. Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, với điều kiện của Việt Nam, trách nhiệm của thị trường tài chính đang “đè” quá nặng lên vai của hệ thống ngân hàng thì việc chuyển từ mô hình chi trả với quyền hạn mở rộng sang mô hình giảm thiểu rủi ro là vô cùng cần thiết. 

“Việc này nhằm tăng cường việc giám sát và cảnh bảo các rủi ro đối với các ngân hàng sau khi tiến hành hoạt động M&A. Vì các ngân hàng tiến hành M&A thông thường là sự kết hợp giữa 2 hoặc 3 ngân hàng yếu với nhau hoặc là sự kết hợp giữa 1 ngân hàng mạnh và 1 ngân hàng yếu. Từ đó, việc giám sát và cảnh báo sớm rủi ro sẽ giúp cho quyền lợi của khách hàng được bảo vệ hiệu quả hơn so với việc hệ thống bảo hiểm tiền gửi xử lý đền bù cho khách hàng sau khi các ngân hàng đã ngưng hoạt động” - TS Bùi Quang Tín nói.