Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro, không phải sản phẩm đầu tư, kiếm lời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đây là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý mổ xẻ tại tọa đàm “Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ” do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức ngày 14/4.

Hợp đồng bảo hiểm phải trên nguyên tắc tự nguyện

Theo bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ xuất hiện từ khoảng thế kỷ 17. Bảo hiểm hoạt động trên nguyên tắc số đông bù số ít, tức là tập hợp các khoản phí bảo hiểm mà số đông bên mua bảo hiểm đóng vào một quỹ chung để trang trải, bù đắp cho những thiệt hại, mất mát của số ít người không may mắn khác cùng tham gia bảo hiểm.

Quang cảnh tọa đàm

Quang cảnh tọa đàm

“Thực chất bảo hiểm là việc phân chia tổn thất của một số ít người cho tất cả những người tham gia cùng chịu. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm, thể hiện tinh thần tương trợ chia sẻ khó khăn, mất mát thiệt hại khi gặp hoạn nạn giữa những người tham gia bảo hiểm” – bà Phương cho biết.

Ở Việt Nam, sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đến nay đã có 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy, đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm yên tâm hưởng thụ cuộc sống và dự phòng các kế hoạch tài chính cho tương lai.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động, trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng.

Bà Phạm Thu Phương

Bà Phạm Thu Phương

Tuy nhiên, bà Phương nhấn mạnh giao dịch bảo hiểm là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên.

“Thời gian qua còn tồn tại hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy ấm ức không thoải mái. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm” – bà nói.

Bảo hiểm là phòng ngừa rủi ro, không phải kênh đầu tư

Theo TS. Trần Vũ Hải - Phó trưởng Phòng Khoa học, Đại học Luật Hà Nội, những sự việc vừa qua vấn đề nảy sinh là ý thức tuân thủ pháp luật của tất cả các bên: doanh nghiệp bảo hiểm, các đại lý là ngân hàng, người tham gia bảo hiểm.

Đại lý bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ cho bên mua, giải thích rõ các quyền lợi... Nhưng thực tế, nhiều nhân viên làm không đúng, che giấu thông tin, đặc biệt tự kê khai cho người mua bảo hiểm.

Đối với khách hàng, ông cho rằng, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tài chính hiện đại, phương thức để người tham gia bảo vệ trước rủi ro và tích lũy, nhưng nhiều khách hàng lại tiếp cận bảo hiểm là đầu tư.

“Tham gia bảo hiểm, đóng phí nhỏ nhưng được bồi thường, được chi trả lớn hơn. Đó là bản chất của bảo hiểm, chứ không phải đóng tiền vào để nhận lại bao nhiêu.

Chúng ta phải nhấn mạnh, đây là sản phẩm bảo vệ rủi ro trước, sau mới tích lũy. Nếu chúng ta chọn nhầm mục tiêu sẽ chọn nhầm sản phẩm” – TS Trần Vũ Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải đầu tư. “Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác” – ông nói.

Ông cũng cho rằng sản phẩm liên kết đầu tư rất rủi ro, vì công ty bảo hiểm sẽ đầu tư vào chứng khoán, đầu tư bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu... là những lĩnh vực rủi ro cao. Người dân phải hiểu điều đó.

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Cho rằng sản phẩm này cần được phát triển trong thời gian tới, song vị chuyên gia cũng kiến nghị cần phân nhóm, phân loại sản phẩm thông dụng hơn cho người dân đầu tư, có sản phẩm đảm bảo quyền lợi cho người dân; cần truyền thông và giải thích phải rõ với khách hàng; đồng thời nâng cao sự chuyên nghiệp của đại lý bảo hiểm.

Về những lùm xùm liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua, ông Lực cho rằng các quy định của NHNN hiện nay không được ép mua bảo hiểm. Tuy nhiên, gần đây, một số ngân hàng có hợp đồng độc quyền với bên bảo hiểm nên nhân viên bị giao chỉ tiêu, mới có chuyện áp lực doanh số. Dù vậy, vấn đề này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng.

Vị chuyên gia kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, NHNN tiếp tục rà soát lại thông tư nội ngạch để làm tốt hơn việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông, mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn hơn. “Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích” – ông cho biết.

Ông cũng cho rằng sau những vụ vừa qua, chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát chính sách, quy trình nội bộ cũng như mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên…

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội bảo hiểm Việt Nam:

Nhân viên tư vấn sai, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hoàn lại tiền phí cho khách hàng

Khi nhận được thông tin về các sự việc khiếu nại, bất bình của khách hàng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội đã đề nghị các DNBH nhanh chóng kiểm tra, xác minh thông tin do khách hàng phản ánh để kịp thời xử lý, đảm bảo quyền lợi của khách hàng trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Chúng tôi đã nắm được thông tin về Ngân hàng SCB phối hợp bán bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Chúng tôi biết, thời gian vừa qua, Công ty bảo hiểm Manulife đã làm với khách hàng để tìm phương án giải quyết.

Để có thể chứng minh được điều khách hàng cung cấp, doanh nghiệp cần xác minh từng người nên phải cần thời gian xác minh và trả lại quyền lợi cho khách hàng kéo dài.

Những trường hợp nào DN xác định được có bằng chứng về việc tư vấn viên đã tư vấn sai cho khách hàng, DN đã thực hiện hủy hợp đồng và hoàn lại khoản phí đã đóng cho khách hàng, đồng thời các tư vấn viên đó cũng đã phải chịu hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.