"Bão giá" nguyên vật liệu đẩy nhà thầu cao tốc Bắc-Nam vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều nhà thầu cao tốc Bắc- Nam dù trong cảnh thi công thì lỗ nhưng vẫn phải bám trụ vì đây là “nghề kiếm cơm”, phải làm để còn dòng tiền luân chuyển trả nợ, trả lương và đáo hạn ngân hàng…

Xoay sở trong cơn 'bão giá' nguyên vật liệu

Hàng loạt nhà thầu thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam rơi vào cảnh bị khó khăn bủa vây trong cơn 'bão giá' vật liệu, thép tăng, xi măng đội giá và đất đắp nền... chưa có điểm dừng. Nhiều nhà thầu dù trong cảnh thi công thì lỗ nhưng vẫn phải bám trụ vì đây là “nghề kiếm cơm”, còn làm thì còn dòng tiền luân chuyển để trả nợ, để trả lương và đáo hạn ngân hàng…

Là một trong những nhà thầu thi công nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2017-2020 như: 03-XL cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, XL-04 Vĩnh Hảo - Phan Thiết, XL-14 Mai Sơn - QL45… Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) luôn trong tình trạng căng thẳng.

Theo ông Nguyễn Hữu Tới, Phó Tổng giám đốc Vinaconex, thời gian hoàn thành theo quy định hợp đồng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không còn nhiều. Đặc biệt, 3 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đang bước sang giai đoạn thi công các hạng mục móng, mặt đường với giá trị lớn.

Thi công cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo

Thi công cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo

Nhưng bão giá vật liệu đang khiến các nhà thầu kiệt quệ, hơn nữa các nhà cung cấp, chủ mỏ hiện nay đều yêu cầu nhà thầu thực hiện cơ chế thanh toán 100% trước khi nhận hàng, như: Đá các loại, thép, bê tông, nhiên liệu diezel, nhựa đường,...

Trong khi việc thi công trên công trường phải tuân thủ theo quy trình thi công, nghiệm thu, thanh toán của dự án. Chu kỳ kể từ khi tập kết vật tư, vật liệu để thi công cho đến khi được nghiệm thu, thanh toán và nhận được tiền từ chủ đầu tư ít nhất từ 2- 3 tháng.

“Nhà thầu đã rất cố gắng để xoay xở, dồn mọi nguồn lực cho công trình đường cao tốc Bắc - Nam, nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong suốt thời gian dài hơn một năm qua là quá lớn và đã vượt hạn mức vay của ngân hàng, không thể tiếp tục duy trì nguồn vốn vay bù đắp thiếu hụt dòng tiền”, ông Tới chia sẻ.

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây

Doanh nghiệp sống lay lắt không thì... phá sản

Còn ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, trong hợp đồng của các gói thầu cao tốc Bắc - Nam đều có quy định về điều chỉnh giá. Việc điều chỉnh sẽ áp dụng theo phương pháp hệ số, công thức bù giá được tính theo 7 yếu tố điều chỉnh, gồm: Nhân công, máy thi công, nhựa đường, thép, đá các loại, cát, xi măng.

Tuy nhiên, để tiến hành điều chỉnh giá nhằm bù giá cho các nhà thầu sẽ phải căn cứ vào chỉ số giá của địa phương nơi dự án đi qua công bố. Quy định là vậy, nhưng thực tế hầu hết các địa phương nơi triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đều đưa ra thông báo giá rất chậm, đặc biệt là thông báo giá không phản ánh đúng với giá thị trường.

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Bộ GTVT liên quan đến việc xử lý biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng giao thông.

Tại văn bản này, Bộ Xây dựng cho rằng đối với kiến nghị của Bộ GTVT về việc thay đổi phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng từ sử dụng chỉ số giá sang bù trừ trực tiếp, cũng như thay đổi công thức điều chỉnh giá hợp đồng để phù hợp với tỷ trọng vật liệu chủ yếu của công trình, theo Bộ Xây dựng, là chưa đủ cơ sở.

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, thực tế nếu có vướng mắc này, do xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có chủ quan của chủ đầu tư chưa đánh giá kỹ lưỡng rủi ro về biến động giá đối với một số loại vật liệu chủ yếu dẫn đến việc quyết định áp dụng phương pháp và công thức điều chỉnh giá hợp đồng không phù hợp trong quá trình lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng.

“Giữa tháng 7/2022, mới có vài địa phương ban hành thông báo giá của tháng 1/2022. Khi thông báo giá của địa phương chậm thì chủ đầu tư và nhà thầu không có cơ sở để điều chỉnh giá.

Ngược lại, nhiều tỉnh làm khá nhanh, đến giờ đã có thông báo giá của tháng 6/2022 nhưng chỉ số giá thì vẫn lấy theo số liệu của tháng 1/2022 dẫn tới không cập nhật kịp thời biến động của thị trường và không phản ánh đúng giá cả thực tế nhà thầu phải mua”, ông Khôi chia sẻ.

“Bão giá vừa rồi ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực GTVT. Giá các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu đi lên theo phương thẳng đứng, kéo theo hàng loạt các khoản tăng chi phí khác nữa”, ông Khôi nói và cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn về bão giá vật liệu đối với ngành giao thông, đặc biệt là tại dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam.

Ngoài các bất cập kể trên, ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CIENCO4 cho biết, đơn giá nhân công theo quy định hiện hành của Bộ Xây dựng đang khiến các nhà thầu vô cùng bức xúc.

Thi công cao tốc Bắc - Nam với áp lực tiến độ rất căng, làm ngày, làm đêm, tăng ca, tăng kíp nên các nhà thầu đều phải chi trả chi phí nhân công cao hơn rất nhiều so với đơn giá hiện hành là 370.000 đồng/ngày/công.

Mặt khác, sau đại dịch Covid-19 và khi giá cả các loại hàng hóa trên thị trường “leo thang”, giá nhân công cũng tăng chóng mặt. Rồi những hạng mục thi công cầu trên cao, nguy hiểm... phải trả nhân công gấp nhiều lần đơn giá quy định. Chưa kể đến đặc thù vùng miền, điển hình như ở khu vực phía Nam, giá nhân công cao hơn mà rất khó tuyển lao động.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao biết lỗ vẫn làm, lãnh đạo Cienco 4 than thở: “Bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải có việc làm. Bởi, có việc thì mới có dòng tiền để luân chuyển, để đáo nợ ngân hàng, trả lương, duy trì bộ máy hoạt động. Có việc là còn hy vọng sống lay lắt, không có việc thì doanh nghiệp phá sản luôn...”.