Báo động nạn quấy rối trên mạng xã hội

ANTĐ - Quấy rối hoặc bắt nạt không chỉ là tệ nạn ngoài đời mà còn trở thành một tệ nạn đang nổi lên tới mức báo động trên các trang mạng xã hội.

Nhiều sinh viên Canada bị quấy rối và bắt nạt trên mạng xã hội

Trường Đại học Simon Fraser thuộc tỉnh British Columbia của Canada ngày 11-3 đã công bố một kết nghiên cứu khiến người ta phải giật mình. Theo đó, cứ 5 sinh viên có 1 người quấy rối các bạn của mình trên mạng xã hội, các giáo viên hướng dẫn bị sinh viên bôi nhọ trên mạng, còn các bậc giáo sư “đáng kính” tỏ ra coi thường đồng nghiệp của mình trong các thư điện tử. 

Giáo sư Wanda Cassidy - thuộc khoa giáo dục của Đại học Simon Fraser, người đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho biết nghiên cứu trên được tiến hành trên cơ sở khảo sát xã hội học với hơn 2.000 người cũng như kiểm tra các quy định của 75 trường đại học. Nhóm nghiên cứu cũng đã trực tiếp phỏng vấn hơn 30 người tại 4 trường đại học, trong đó 2 ở tỉnh British Columbia, 1 ở Prairies và 1 ở Atlantic Canada.

Khảo sát cho thấy, những thiếu niên đã từng bắt nạt bạn bè trên mạng ở phổ thông thường vẫn tiếp tục làm điều đó khi bạn mình vào đại học. Ngoài sinh viên, các giảng viên, nhất là những giảng viên nữ, cũng bị các sinh viên hoặc đồng nghiệp quấy rối trên mạng.

Một trợ giảng đại học kể về nỗi ám ảnh phải “chiến đấu” với một đồng nghiệp chuyên “ngồi lê đôi mách” nói xấu mình. Theo người trợ giảng này, đồng nghiệp xấu tính viết tới 73 thư điện tử một ngày hay 180 tin nhắn một tuần và nếu cô không trả lời thì “tình hình còn tồi tệ hơn”.

Từ kết quả nghiên cứu, giáo sư Cassidy cho rằng sự nổi lên của nạn dọa nạt và quấy rối trên mạng ở những người trưởng thành (vào đại học) đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như phá hỏng mối quan hệ hoặc danh tiếng trong trường đại học, khiến nạn nhân sống trong tình trạng lo âu, thiếu ngủ… Thậm chí có người đã nảy sinh ý nghĩ tự tử bởi thấy bất lực trước những kẻ xấu xa.

Trong khi đó, tình trạng ẩn danh trên mạng khiến người ta khó có thể tìm ra thủ phạm bắt nạt. Khảo sát cho thấy, khoảng hơn 1/2 số sinh viên và giảng viên tham gia khảo sát cho biết họ đã tìm cách chấm dứt tình trạng bị dọa nạt và quấy rầy trên mạng, nhưng số người thành công lại chưa đến một nửa và một trong những lý do chính là vì các trường đại học hầu như chưa có quy định để giải quyết tình trạng này. 

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra 465 quy định của 75 trường đại học và thấy rằng nhiều trường không quan tâm tới vấn nạn này. Hầu hết các trường đại học tại Canada đều có những quy định về tư cách đạo đức sinh viên, phân biệt đối xử và quấy rối, nhưng không phải tất cả những quy định đó đều đề cập cụ thể đến những hành vi quấy rối trên mạng. 

Không chỉ riêng tại Canada, nạn quấy rối và doạ nạt trên mạng đang nổi lên là một mối đe dọa nghiêm trọng ở châu Âu, như tại Anh cứ 2 trẻ thì có 1 em là nạn nhân, tỷ lệ này ở Đức là 1/5. Để chống lại thứ tệ nạn trên mạng xã hội này, 17 mạng xã hội như Facebook, MySpace… đã ký với Hội đồng châu Âu thỏa thuận về đấu tranh, trong số các biện pháp đối phó có việc phong tỏa các tội phạm Internet, lập “nút báo động” để liên lạc với quản trị mạng…