Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết gắn bó, không thể tách rời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tất cả 54 dân tộc trên đất nước ta không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Bảo đảm các dân tộc cùng bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Thay đổi diện mạo nhiều vùng đồng bào dân tộc

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 12-7 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, thời gian qua, công tác dân tộc trên phạm vi toàn quốc đã được các cấp, ngành quan tâm, tích cực triển khai. Bên cạnh chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều chính sách được ban hành, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Hệ thống cơ quan thực hiện chính sách dân tộc các cấp tiếp tục được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, sở, ngành của địa phương trong tham mưu chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng, Nhà nước luôn chăm lo phát triển giáo dục đào tạo cho đồng bào các dân tộc nhất là đồng bào dân tộc thiểu số

Đảng, Nhà nước luôn chăm lo phát triển giáo dục đào tạo cho đồng bào các dân tộc nhất là đồng bào dân tộc thiểu số

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận, làm rõ thêm những vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội, vấn đề giảm nghèo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 6 tháng đầu năm 2023, đặc biệt là những tác động của tình hình phát triển kinh tế đến đời sống, sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số; nêu các đề xuất, kiến nghị đối với Trung ương về giải pháp, chính sách để bảo đảm ổn định cuộc sống của đồng bào. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện; được xã hội và đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước quan tâm, theo dõi.

Các đề án, chính sách, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác trong 6 tháng đầu năm đạt mục tiêu đề ra với khối lượng công việc lớn, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến ngày 31-5-2023, đã giải ngân trên 7.800 tỷ đồng từ nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023, đạt 18,54%.

Một số chỉ tiêu ước đến 31-12-2023 hoàn thành, vượt mục tiêu giao như tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thôn có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều hoạt động được tập trung triển khai, như xây mới, duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, trường học… tại các huyện nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình.

Những kết quả đáng khích lệ đạt được cho thấy, công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2023 mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song về cơ bản đã thực hiện có hiệu quả góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng dân tộc thiếu số và miền núi nói riêng và cả nước nói chung.

Phát huy tinh thần đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc

Những kết quả mới nhất đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023 thêm một lần nữa khẳng định, bảo đảm các dân tộc cùng bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Cả 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Trong 54 dân tộc trên đất nước thống nhất của chúng ta có 53 dân tộc thiểu số với khoảng trên 14 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước, sinh sống chủ yếu ở các vùng miền núi của đất nước. Quy mô dân số của các dân tộc không đồng đều, có 6 dân tộc trên 1 triệu người, 14 dân tộc dưới 10.000 người, 5 dân tộc dưới 1.000 người. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sống tại miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tập trung ở 463 huyện thuộc 51 tỉnh tại Đông và Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tuy có sự khác nhau về quy mô dân số, về trình độ phát triển nhưng mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục… riêng tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam.

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, là đường lối xuyên suốt và nhất quán từ trước đến nay nhằm bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều xác định, vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”... Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII nêu rõ mục tiêu “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, đồng thời “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc".

Từ chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã ban hành nhiều Chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng tập trung các dân tộc ít người, trong đó tiêu biểu như các chương trình hành động 122 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (Khóa IX) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân tộc; chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở…

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể và phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của chương trình là giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; cải thiện đời sống của nhân dân…

Những chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả cụ thể. Tính đến hiện nay, đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3-4% năm. Hơn 50% số xã trong vùng có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số có bảo hiểm y tế miễn phí…

Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi đi vào hiện thực cuộc sống thì chính đồng bào các dân tộc là chủ thể thực thi và đối tượng thụ hưởng. Điều đó khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết để cộng đồng các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó, không thể tách rời.