Báo chí thế giới: Ranh giới giữa "sống" và "chết"

ANTĐ - Các tòa báo trên khắp thế giới đang vật lộn với đà sụt giảm về số lượng và doanh thu quảng cáo, nhưng đó không phải là bức tranh một màu u ám. Những tín hiệu đáng mừng vừa được chia sẻ tại Đại hội Báo chí Thế giới lần thứ 65 tại Bangkok, Thái Lan.

Báo chí thế giới: Ranh giới giữa "sống" và "chết" ảnh 1

Các diễn giả sôi nổi thảo luận tại Đại hội

Châu Á nhiều triển vọng tích cực

Theo nhận định của nhiều Tổng biên tập các tờ báo châu Á, thị trường báo chí ở đây đang bùng nổ song song với đà tăng trưởng của nền kinh tế và công dân ngày càng có học thức, khát vọng.

“Tôi có niềm tin tuyệt đối ở châu Á”, Pichai Chuensuksawadi – Tổng biên tập của tập đoàn  Post Publishing của Thái Lan nói. Ông đã dẫn ví dụ về tín hiệu tích cực khi một loại hình sản phẩm in ấn mới là báo miễn phí trên các phương tiện công cộng đã bị công chúng Thái Lan “nuốt chửng”.

Trong phiên họp mang tên “Tiêu điểm truyền thông châu Á” tại Đại hội báo chí thế giới 65 từ ngày 2 đến 5-6, bà Sandy Prieto, Giám đốc điều hành của Philippine Daily Inquirer cho biết, mặc dù có sự suy giảm về lượng phát hành báo in, tờ báo này tiếp tục thu hút bạn đọc thông qua một loạt các kênh. “Chúng tôi có báo lá cải, truyền hình, tạp chí... Cách mới nhất mà chúng tôi thử là gia tăng video, hình ảnh, và “tăng cường sự thực”.

Cũng bằng chiến lược đa dạng hóa các loại hình truyền thông, tờ Bangkok Post từ một tờ báo tiếng Anh với số lượng 40.000 bản/kỳ năm 2002 giờ đã trở thành một tập đoàn khổng lồ tại Thái Lan. Trong thập kỷ qua, họ đã cho ra mắt tạp chí, đầu tư vào đài phát thanh và 3 năm qua là sản xuất nội dung cho 3 đài truyền hình.

 “Sống khỏe” nếu biết “nuôi” bạn đọc

Minh chứng rõ nhất cho khả năng phục hồi của báo in chính là Ebela, một tờ báo chỉ mới ra đời ở Calcutta, Ấn Độ năm 2012 nhưng hiện đã có mức tiêu thụ 300.000 bản một ngày. Nhắm vào giới trẻ, tờ báo này đã “càn quét” các đường phố chỉ sau 3,5 tháng ra mắt.

Bí quyết thành công của tờ báo, ông D.D. Purkayastha, Giám đốc điều hành Ebela chia sẻ: Đây là tờ có định dạng báo lá cải đầu tiên trên thị trường báo khổ rộng này. Các tin tức rất ngắn, nội dung phong phú, thế mạnh là tiểu thuyết dạng truyện tranh, phỏng vấn người nổi tiếng. Với thiết kế đầy màu sắc và rất nhiều hình ảnh, bất ngờ là tờ báo này lại có giá bán thấp nhất trên thị trường. Chưa kể “cha đẻ” của Ebela là ABP - tập đoàn truyền thông lớn thứ 2 Ấn Độ.

"Hiện tượng" Ebela ở Ấn Độ là minh chứng cho sự phục hồi của báo in

“Khi xây dựng một sản phẩm ấn tượng, thích đáng và đúng mục tiêu, bạn sẽ thành công”, ông D.D. Purkayastha nói. Có chung quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng mỗi tờ báo muốn tồn tại lâu dài nên ưu tiên xây dựng quan hệ khăng khít hơn với công chúng mà mình phục vụ.

Báo điện tử trả tiền sẽ “bùng nổ"

Trong khi chia sẻ kinh nghiệm phát triển, 1.500 đại biểu là đại diện các tòa báo và các hãng truyền thông lớn khắp các châu lục cũng khá ấn tượng với thông tin: Bạn đọc có xu hướng sẵn sàng trả tiền cho tin tức trực tuyến có “chất lượng cao”. Đó là nhu cầu có thực, bất chấp thực tế không bao giờ đảo ngược được văn hóa đọc báo miễn phí. Bởi vậy, chủ đề thu phí bạn đọc các tin tức trên web và điện thoại thu hút sự quan tâm nhiều nhất.

Nhờ số lượng bạn đọc trực tuyến tăng vọt, tháng 5-2013, New York Times đã trở thành tờ nhật báo có số lượng bạn đọc lớn thứ hai tại Mỹ, khoảng hơn 1 triệu lượt mỗi ngày, nhờ 325.000 thuê bao qua hình thức trả tiền đọc trực tuyến (paywall) bắt đầu áp dụng từ năm 2011. Với 35 USD mỗi tháng, khách hàng có quyền truy cập không giới hạn đến trang web và ứng dụng di động của New York Times.

Có một quan niệm đang rất phổ biến trong làng báo hiện nay: 1 đôla Mỹ trong in ấn sẽ biến thành 1 xu trên báo điện tử. Vì thế mà xu hướng thu phí tin tức trực tuyến một phần hay hoàn toàn được dự báo sẽ “lên ngôi” một ngày không xa.