“Bảo bối” của nước Nga

ANTĐ - Matxcơva vừa tiết lộ đang chuẩn bị cách đáp trả rẻ tiền và hiệu quả đối với “các thành tựu phòng thủ tên lửa” của Mỹ. Quan hệ Mỹ - Nga lại tiếp tục sóng gió.

Tên lửa có cánh X-55

Xem ra, mọi cơ hội hóa giải mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ xung quanh chương trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu (AMD) của Mỹ đã chấm hết. Mới đây, phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Nga M. McFaul đã tuyên bố thẳng là Washington không có ý định ký kết văn kiện nào đó mang tính chất bắt buộc về pháp lý bảo đảm rằng, hệ thống AMD không nhằm chống Nga.

Tuyên bố của ông M. McFaul được đưa ra sau khi Mỹ tiếp tục đàm phán với Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ về việc bố trí một bộ phận của AMD tại lãnh thổ hai nước này. Cùng với đó, Mỹ khẳng định không chấp nhận cùng Nga xây dựng Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu theo thỏa thuận đạt được tại hội nghị cấp cao Nga - NATO ở Lisbon (Bồ Đào Nha) hồi cuối năm ngoái. Mỹ và NATO muốn từng bên có AMD riêng và chỉ thực hiện cơ chế trao đổi thông tin.

Theo quan điểm của ông V. Litovkin, biên tập viên tờ “Quan sát quân sự độc lập”, Nga có sẵn các phương tiện để đáp trả hệ thống AMD của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà thiết kế Nga hiện tiếp tục hiện đại hoá loại vũ khí này, đến khi Mỹ hoàn tất quá trình bố trí hệ thống AMD, Nga sẽ có khả năng làm cho hệ thống này trở thành vô giá trị.

Vậy “bảo bối” bí ẩn của Nga là gì? Dù các chuyên gia quân sự Nga chưa tiết lộ nhưng báo chí phương Tây đoán rằng đó là các phương tiện kiềm chế hạt nhân - tên lửa đạn đạo chiến lược có khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ. Nhiều nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Nga có ít nhất hai phương cách ít tốn kém nhưng đạt hiệu quả cao để đối phó với AMD của Mỹ.

Cách thứ nhất mang tính chiến lược là Nga sẽ đẩy nhanh việc đưa các tổ hợp tên lửa “Topol - M” cơ động và đặt dưới hầm ngầm vào chế độ trực chiến (loại tên lửa này có tốc độ xuất phát cao nên radar đối phương khó phát hiện và thời gian lấy đà tăng tốc ngắn khiến đối phương khó đánh chặn). Ngoài ra, các tàu ngầm nguyên tử kiểu “Delta 4" thuộc lớp 667 của Hải quân Nga được trang bị những tên lửa xuyên lục địa loại mới phóng từ biển cũng là một giải pháp quan trọng.

Cách thứ hai là Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả AMD, nhưng có thể triển khai ở gần biên giới các nước, nơi mà Mỹ dự định triển khai các căn cứ “Lá chắn tên lửa”, những tổ hợp tên lửa tác chiến chiến thuật hiện đại mới “Iskander”. Với tầm bắn hiệu quả và đặc biệt chính xác, các tên lửa này sẽ làm tê liệt một số thành tố của ADM, khiến cả hệ thống này tê liệt.

Đó là chưa kể Nga còn một loại vũ khí khác không kém phần hiệu quả là tên lửa X-55. Trong chương trình cầu truyền hình “Moscow - Berlin”, cựu Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga, Tướng P. Deinekin từng tuyên bố, để đáp trả kế hoạch phòng thủ tên lửa AMD của Mỹ, ngoài việc sử dụng tên lửa Iskander, Nga còn sử dụng vũ khí chính xác cao từ trên không là X-55 (hay Kh-55) có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách gần 4.500km. Các chuyên gia cho rằng trên thế giới không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể tiêu diệt được tên lửa X-55.

Chưa biết mọi chuyện sẽ kết thúc ở đâu nhưng chắc chắn sau những tuyên bố của Nga, Washington cũng phải đau đầu. Nếu không tính toán kỹ, toan tính của Mỹ giành ưu thế chiến lược trước Nga sẽ chỉ mất công.