Bán lẻ Việt Nam: Muốn thành công, đừng “bán lúa non”

ANTĐ - Chưa bao giờ, câu chuyện về ngành bán lẻ Việt Nam lại gây được sự chú ý của dư luận như hiện tại. Vì Metro bán lại cho nhà đầu tư Thái Lan hay vì ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước thời điểm mang tính lịch sử? Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) đã trao đổi với phóng viên  Báo ANTĐ xung quanh vấn đề này.

Bán lẻ Việt Nam: Muốn thành công, đừng “bán lúa non” ảnh 1


- PV: Thưa PGS. TS Phạm Tất Thắng, việc Metro được bán lại cho nhà đầu tư Thái Lan đã khiến câu chuyện về ngành bán lẻ Việt Nam trở nên sôi nổi?

- PGS. TS Phạm Tất Thắng: Theo cam kết WTO, năm 2015, ngành bán lẻ nước ta phải mở cửa, hội nhập ở bước rộng hơn, tiến tới mở cửa triệt để vào năm 2018. Ngay từ bây giờ, các nhà bán lẻ nước ngoài đã tham gia ngày càng sâu vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Sắp tới, Lotte khai trương trung tâm thương mại ở Đào Tấn, cà phê Mỹ   Starbuck đã liên tiếp mở các điểm bán tại Hà Nội… hay một loạt các nhà đầu tư khác cũng mở địa điểm kinh doanh tại Việt Nam. Cạnh tranh quốc tế trên thương trường ngày càng mạnh. Đến 2015, sẽ có nhiều nhà phân phối, bán lẻ, bán buôn nước ngoài vào nước ta. Việc nhà đầu tư Thái Lan mua lại Metro chỉ là “dịp” để ngành bán lẻ gây được chú ý. 

- Các nhà bán lẻ lớn của Việt Nam đang tỏ ra đuối sức và có phần lo lắng. Phải chăng, họ chưa chuẩn bị kịp hành trang cho thời điểm mở cửa rộng hơn vào năm 2015?

- Các nhà bán lẻ Việt Nam đã được nhắc nhở nhiều lần, ngay từ khi chúng ta đàm phán và gia nhập WTO, chứ không phải bây giờ, nhưng họ hoạt động chưa đến nơi đến chốn. Có lúc họ đưa ra ý tưởng hay song chỉ thực hiện nửa chừng. Ví dụ, Trung Nguyên muốn mở hệ thống cửa hàng tiện lợi G7, và thực tế đã mở nhưng bỗng nhiên dừng lại. Có nhiều nguyên nhân nhưng điều đó cũng chứng tỏ họ làm ăn chưa bài bản. Ở Hà Nội, có các nhà bán lẻ như: Hapro, Fivimart chỉ đang tồn tại mà không gây được tiếng vang, ấn tượng mạnh mẽ nữa. 

Ngoài ra, chúng ta còn không thành công vì thiếu những ý tưởng mới khi đầu tư. Ví dụ, một số chợ đang hoạt động sầm uất như: chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da… thì nhà đầu tư lại chuyển đổi công năng. Ý tưởng không rõ ràng, chủ yếu đầu cơ đất vàng giữa Thủ đô … thay vì đầu tư bài bản cho bán lẻ.

- Kinh nghiệm nào từ thành công của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam mà doanh nghiệp trong nước nên học hỏi?

- Các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có chiến lược lâu dài. Họ dựa vào nguồn lực vốn, công nghệ, đầu tư bài bản, không như các nhà đầu tư Việt Nam. Các nhà bán lẻ Việt Nam không nên “bán lúa non”. Một số nhà bán lẻ vừa có lượng khách hàng tăng, kinh doanh tốt lên thì chất lượng lập tức đi xuống. Một số khác vừa có tín hiệu kinh doanh khả quan đã vội vàng bán thương hiệu.

- Xin cảm ơn ông!