Bản án dành cho “siêu lừa” lợi dụng yếu tố ngoại cảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một “siêu lừa” người Canada đã chiếm đoạt hơn 175 triệu USD từ các nạn nhân Bắc Mỹ thông qua âm mưu lừa đảo quy mô lớn qua thư tín vừa bị kết án 10 năm tù.
Dưới danh nghĩa tư vấn ngoại cảm, Patrice Runner đã gửi khoảng 56 triệu lá thư đến gần 1,5 triệu người trên khắp Canada và Mỹ trong 20 năm, thu về 175 triệu USD

Dưới danh nghĩa tư vấn ngoại cảm, Patrice Runner đã gửi khoảng 56 triệu lá thư đến gần 1,5 triệu người trên khắp Canada và Mỹ trong 20 năm, thu về 175 triệu USD

Patrice Runner, 57 tuổi, người có quốc tịch cả Canada và Pháp, đã bị bồi thẩm đoàn Mỹ hồi tháng 6 kết án về tội âm mưu phạm tội lừa đảo qua thư và điện tử, 8 tội lừa đảo qua thư, 4 tội lừa đảo qua đường dây và âm mưu rửa tiền. Hôm 15-4, một thẩm phán ở New York đã đưa ra phán quyết nhằm khép lại vụ án kéo dài đối với Runner, người bị chính quyền Mỹ điều tra từ năm 2014.

Trong kế hoạch lừa đảo của Runner, các công ty của ông ta đã gửi thư tới hàng triệu người. Những bức thư được viết tay, mạo danh nhà ngoại cảm nổi tiếng người Pháp Maria Duval và hứa hẹn với người nhận “cơ hội đạt được sự giàu có và hạnh phúc lớn với sự trợ giúp của nhà ngoại cảm”. Người nhận thường là những người “già và dễ bị tổn thương” và được khuyến khích gửi một khoản phí cho công ty của Runner để được “dự báo tương lai”. Sau khi thanh toán đã được thực hiện, người nhận sẽ nhận được hàng tá thư, với thông tin chi tiết hơn đồng thời yêu cầu các khoản phí bổ sung. Theo cáo trạng, họ cũng được yêu cầu gửi lại các vật dụng cá nhân, chẳng hạn như lọn tóc, dấu tay và ảnh “để tiến hành các nghi lễ riêng và các dịch vụ liên quan đến chiêm tinh”.

Runner khẳng định rằng ông ta chưa bao giờ vượt qua ranh giới pháp lý trong hoạt động kinh doanh thư tín của mình, lập luận rằng mọi người sẽ yêu cầu hoàn lại tiền nếu họ không hài lòng. “Có thể điều đó không đạo đức hay thật nhảm nhí, nhưng không có nghĩa là lừa đảo”, Runner từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Walrus.

Trong cuộc phỏng vấn với Walrus, được thực hiện từ một trung tâm giam giữ ở New York, Runner cho biết, sức hấp dẫn khiến trò lừa đảo mà ông ta duy trì được trong nhiều năm nằm ở khả năng thu hút sự chú ý của hàng triệu người, những người “sau vài phút có thể gửi séc để nhận được một sản phẩm từ một địa chỉ hoặc công ty mà họ chưa từng nghe đến”.

Theo cáo trạng, các bức thư được in ở Canada và vận chuyển bằng xe tải đến Albany, New York rồi gửi đi. Theo chỉ đạo của Runner, khoảng 56 triệu lá thư đã gửi đến gần 1,5 triệu người trên khắp Canada và Mỹ trong 2 thập kỷ từ 1994 đến 2014, thu về 175 triệu USD. “Những năm sinh lời nhiều nhất trong công việc kinh doanh thư của nhà ngoại cảm Maria Duval là từ năm 2005 đến năm 2010”, Runner đề cập đến thời điểm ông ta kiếm được 23 triệu USD chỉ trong một năm. Tuy nhiên, Runner đã sử dụng một số công ty vỏ bọc được đăng ký ở Canada và Hồng Kông (Trung Quốc) nhằm che giấu vai trò của mình. Ông ta thường xuyên di chuyển, sống ở Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan, Costa Rica và Tây Ban Nha.

Cơ quan thực thi pháp luật bắt đầu điều tra vụ lừa đảo vào năm 2014 và 2 năm sau mới kết thúc điều tra. Vào tháng 12-2020, sau các cuộc đàm phán dẫn độ kéo dài,

Runner bị bắt ở Ibiza, Tây Ban Nha và cuối cùng được đưa đến New York, Mỹ. Bốn người khác có liên quan đến vụ lừa đảo gửi thư hàng loạt đều đã nhận tội. Trước phiên tòa, Runner cho biết, ông ta không có đủ tiền thuê luật sư. “Tôi từng sống như một ngôi sao, nhưng đã không đủ thận trọng. Tôi đã nghĩ việc kinh doanh đặt hàng qua thư sẽ tồn tại mãi mãi”.

“Lối sống xa hoa của Patrice Runner dựa trên lợi dụng hàng triệu người Mỹ lớn tuổi và dễ bị tổn thương đã chấm dứt. Đây là một hình phạt thích đáng đối với ông ta”, Chris Nielsen, nhân viên Cơ quan Thanh tra Bưu điện Mỹ chi nhánh Philadelphia nhận định về bản án.

Trước đó, Runner đã hai lần bị chính quyền Canada kết tội lừa đảo. Năm 1991, một công ty mang tên Runner đã bị phạt 31.100 USD vì quảng cáo sai sự thật về dịch vụ của một nhà chiêm tinh học với khả năng dự đoán đúng giải xổ số. Năm 2000, một công ty mang tên ông đã bị tòa án Quebec phạt 362.000 USD vì quảng cáo sai lệch về các sản phẩm giảm cân.