Bài học khó quên

(ANTĐ) - “Thế giới chưa hề biết đến một ngày như hôm nay”, giọng của người dẫn chương trình có vẻ buồn rầu. “Đó là việc phải đối mặt với mối nguy hiểm từ sự cố tồi tệ nhất tại nhà máy điện hạt nhân trong thời đại nguyên tử này”. Không phải là Nhật Bản, cũng không phải là Chernobyl, đó là tin tức phát đi trên toàn lãnh thổ Mỹ trong sự kiện Three Mile Island cuối tháng 3-1979.

Bài học khó quên

(ANTĐ) - “Thế giới chưa hề biết đến một ngày như hôm nay”, giọng của người dẫn chương trình có vẻ buồn rầu. “Đó là việc phải đối mặt với mối nguy hiểm từ sự cố tồi tệ nhất tại nhà máy điện hạt nhân trong thời đại nguyên tử này”. Không phải là Nhật Bản, cũng không phải là Chernobyl, đó là tin tức phát đi trên toàn lãnh thổ Mỹ trong sự kiện Three Mile Island cuối tháng 3-1979.

Các nhân viên kỹ thuật được cử vào xử lý sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island năm 1979
Các nhân viên kỹ thuật được cử vào xử lý sự cố tại nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island năm 1979

Còi tầm reo vang

Tròn 32 năm trước, ngày 28-3-1979, cả nước Mỹ hướng đến hòn đảo dài và hẹp nằm giữa sông Susquehanna gần Middletown bang Pennsylvania. 6h56, nhân viên giám sát tại tổ máy 2 nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island (Đảo 3 dặm) tuyên bố “tình trạng khẩn cấp toàn bộ”, mức cao nhất về sự cố trong bậc thang 4 cấp mà Ủy ban Điều tiết hạt nhân Mỹ (NRC) quy định.

Đúng 8h, trước cuộc họp khẩn cấp của NRC ở Bethesda, Maryland, thông tin cấp báo rằng điều mà ngành công nghiệp hạt nhân không mong muốn đã xảy ra. Đó cũng là ngày đầu tiên người ta nhận ra rằng chủ quản và điều hành nhà máy là Metropolitan Edison cùng General Public Utilities đã cố tình báo cáo sai cũng như không nắm được các đầu mối xử lý sự cố.

Ủy ban Điều tiết hạt nhân Mỹ khi đó mới sửng sốt biết rằng trước đó hơn 1 tháng, các nhà vận hành trong phòng điều khiển của tổ máy số 2 đã đo được nhiệt độ trong lò gần với nhiệt độ nóng chảy của nhiên liệu. “Và chỉ đến khi khoang chứa lò phản ứng được mở, họ phát hiện một nửa số nhiên liệu uranium đã tan chảy”, Gilinsky, nhà vật lý học chuyên đấu tranh cho việc cải thiện an toàn hạt nhân nhớ lại.

Sự việc đã vượt quá xa trước khi chính phủ Mỹ nhận được tin báo. Nhưng cư dân sống ở khu vực quanh Three Mile Island không hề biết điều này. Kể từ khi nhà máy đi vào vận hành, tổ máy số 1 hồi tháng 4-1974 và tổ máy 2 trong tháng 2- 1976, những người sống trong các cộng đồng nông trại nhỏ ở gần đó nghe tiếng còi báo động thử nghiệm mỗi tuần. Nhưng lần này, còi báo động không dừng lại sau 90 giây như bình thường mà kêu liên tục, không ngừng nghỉ. Mọi người linh cảm hình như có chuyện bất thường xảy ra.

Lỗi từ con người

Theo điều tra, chỉ trong 8 phút, một loạt lỗi nhỏ về cơ khí đã khiến sự cố xảy ra như các quân cờ domino. Công nhân trực ca đêm hôm đó đã bảo dưỡng định kỳ bộ lọc làm sạch hơi nước ngưng tụ. Họ đã tắt 3 máy bơm phụ trợ vốn được tự động kích hoạt để dội nước làm mát các lò phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.

Tắt các máy bơm này là vi phạm quy định của NRC. 4h sáng, các lò phản ứng ngừng ngay lập tức bởi theo thiết kế, nếu không có máy bơm làm mát, nước bị đun sôi, nhiên liệu nóng bốc ra. Mặc dù vậy, phòng điều khiển không nhận ra bơm cung cấp nước chính đã hỏng. Dữ liệu sau này cho thấy còi và đèn báo động phát ra liên tục nhưng nhân viên đã tắt đi, họ tắt luôn cả máy bơm dự phòng khác vì nghĩ là không cần thiết.

Kim loại ốp trên ống dài gắn đầy uranium dạng viên bắt đầu tan chảy, giải phóng hydro có khả năng gây nổ. Các thiết bị giám sát nhiệt độ và phóng xạ đặt trên trần của lò chứa - làm bằng bê tông, cốt thép với độ dày gần 2m - trở nên vô dụng. Sau đó, nhiệt độ trong lò đạt tới 4.000 độ C.

Cuối chiều thứ tư 28-3, Phó Thống đốc bang Pennsylvania, ông William Scranton nói trong cuộc họp báo: “Tình hình phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng. Metropolitan Edison đã đưa ra thông tin mâu thuẫn nhau”. Ông nói rằng hơi nước phóng xạ đã rò rỉ ra không khí quanh nhà máy từ 11h đến 13h30.

Trong cái rủi có cái may

Ngày 16-3-1979, 12 ngày trước ra sự cố này, bộ phim “Hội chứng Trung Quốc” ra mắt khán giả cả nước Mỹ. Jane Fonda, Jack Lemmon và Michael Douglas đã kéo khán giả đến rạp trong bộ phim về một cuộc khủng hoảng hạt nhân gần một nhà máy California, dù chủ nhà máy làm sai lạc thông tin nhưng phóng xạ đã lan khắp bề mặt Trái đất. Và ngay sau đó, các yếu tố của phim đã diễn ra trong đời sống thực.

Thứ sáu 30-3-1979, Thống đốc bang Pennsylvania Richard Thornburgh ra lệnh đóng cửa 23 trường học trong vòng bán kính cách nhà máy 9km, đồng thời sơ tán phụ nữ mang thai và trẻ em mẫu giáo. Nông trang được khuyến cáo giữ gia súc trong chuồng và sử dụng thực phẩm dự trữ. Trong 2 ngày, hơn 120.000 người đã ném vội đồ đạc lên xe đã tháo chạy khỏi trung tâm Pennsylvania và một phần Bắc Maryland. Từng đoàn xe chạy dọc các con đường và đại lộ chính nhưng rất nhiều người không biết phải đi đâu.

Tối thứ sáu 31-3, tin tức loan khắp toàn cầu rằng trong lò phản ứng có bong bóng khí hydro chứng tỏ nó sắp nổ. Hôm sau, đúng ngày Cá tháng tư, Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalyn đi thị sát nhà máy.

Cho đến hôm nay, lò phản ứng số 2 đã bị đóng cửa vĩnh viễn nhưng tổ máy số 1 vẫn tiếp tục sản xuất điện. Trong tai nạn hạt nhân dân sự đầu tiên xảy ra tại Mỹ này, may mắn thay, thùng bao lõi phản ứng không bị thủng và rất ít chất phóng xạ thoát ra ngoài môi trường. Các khảo sát thực hiện sau đó cũng chứng tỏ tỷ lệ ung thư trong dân cư quanh khu vực nhà máy không tăng.

Yến Chi

(Theo AOL)