Trung Quốc chế tạo tàu 3 thân làm tàu tên lửa tàng hình cao tốc? (1):

Bắc Cứu 143 và Đông Cứu 335 thuộc loại tàu gì?

ANTĐ - Với nhiều ưu điểm nổi bật so với tàu 2 thân nên đẩy mạnh phát triển tàu 3 thân sử dụng động cơ phản thủy lực đang là xu hướng phát triển của các cường quốc hải quân trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ...

Tính năng ưu việt của tàu 3 thân và động cơ phản thủy lực

Gần đây, rất nhiều quốc gia chú trọng phát triển công nghệ đóng tàu 3 thân (Trimaran) với định hướng sử dụng làm tàu cao tốc tên lửa, tác chiến gần bờ. Ở khu vực Đông nam Á, Indonesia là quốc gia đầu tiên sở hữu loại tàu này. Năm 2010 nhà máy đóng tàu Banyuwangi đã khởi công đóng 4 tàu tàng hình 3 thân Trimaran X3K cho hải quân Indonesia theo hợp đồng đặt mua của công ty Ludin, giá trị mỗi chiếc khoảng hơn 12 triệu USD. Không may là chiếc tàu đầu tiên mang tên KRI Klewang-625 sắp được bàn giao cho hải quân Indonesia đã bị cháy hôm 28/09.

Tàu tên lửa tàng hình 3 thân đầu tiên của Indonesia mang tên KRI Klewang-625
 khi chưa bị cháy

Tàu 3 thân có rất nhiều ưu điểm so với tàu một và 2 thân. Nó có sức cản nước nhỏ nên tốc độ rất cao, tính ổn định hướng sức chống chịu sóng gió cũng tốt hơn so với tàu cao tốc 2 thân, hơn nữa kết cấu dạng này còn có tính tàng hình chống radar nhất định. Hệ thống động lực của tàu 3 thân không giống các tàu chân vịt thông thường. Nó sử dụng động cơ phản thủy lực, thường lắp thò ra phía đuôi tàu.

Chuyển động của tàu do phản lực sinh ra từ các luồng nước phun ngược về phía sau của các máy bơm, thông qua hệ thống điều khiển bánh lái đến bánh lái, điều tiết và thay đổi hướng của dòng nước để thực hiện điều khiển tàu. Với ưu điểm là khả năng gia tốc nhanh trong đoạn ngắn, hệ thống động lực này thường được sử dụng trong các loại tàu trượt, tàu xuyên sóng, tàu cánh ngầm, tàu đệm khí, tàu cao tốc. Loại động cơ này có nhiều ưu điểm so với động cơ chân vịt như: khả năng gia tốc và điều khiển chuyển động tốt, giảm tiếng ồn, hạ thấp lực cản của nước và rất tiện lợi trong sửa chữa, bảo dưỡng.

Với nhiều ưu điểm như vậy nên chế tạo tàu 3 thân sử dụng động cơ phản thủy lực đang là xu hướng phát triển của các cường quốc hải quân Anh, Pháp, Mỹ… Hiện cả Anh và Mỹ đều có những tàu cao tốc tên lửa tàng hình tác chiến gần bờ và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Trước đây, họ đã chế tạo được tào cao tốc tên lửa 2 thân có tính năng tàng hình lớp 022 sử dụng hệ thống động lực phản thủy lực.

Tàu tên lửa tuần tiễu ven bờ “Independence” của hải quân Mỹ

Tàu 3 thân mới của Trung Quốc thuộc loại tàu gì?

Theo quy định cách đặt tên của tàu hải quân Trung Quốc, tên các loại tàu chiến được đặt theo tên các của tỉnh, thành, các khu vực hoặc các ngọn núi, con sông… Những cái tên như: “Liêu Ninh” (tàu sân bay 16), “Côn Luân Sơn” (tàu đổ bộ 998), “Cáp Nhĩ Tân” (tàu khu trục tên lửa - kỳ hạm của Hạm đội Bắc Hải số hiệu 112), Từ Châu (tàu hộ vệ tên lửa 530 của Hạm đội Đông Hải)… đã rất quen thuộc với mọi người.

Còn các tàu bảo đảm, phục vụ của hải quân Trung Quốc thường được quy định riêng theo chức năng, nhiệm vụ. Quy định tên của các loại tàu này là 2 chữ và 1-3 số, chữ cái đầu tiên là chỉ tên hạm đội, chữ cái thứ 2 là viết tắt của chủng loại tàu, vậy nên các tàu này bao giờ cũng bắt đầu bằng chữ Nam, chữ Đông và chữ Bắc (chữ đầu tiên của tên 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải), sau đó là 1 chữ và 1 vài số nữa.

Tàu cứu hộ, cứu nạn “Nam Cứu 502” lớp Đại Chu có tải trọng 1100 tấn, hiện đã ngừng sử dụng

Các loại tàu bảo đảm, phục vụ của hải quân Trung Quốc có những loại chính như sau:

Tàu quan trắc, đo đạc biển: Nam Trắc, Đông Trắc, Bắc Trắc. Từ “Trắc” có nghĩa là “đo đạc - 测”.

Tàu hoa tiêu, dẫn đường: Nam Tiêu, Đông Tiêu và Bắc Tiêu. Từ “Tiêu” có nghĩa là “mốc, dấu, ký hiệu - 标”.

Tàu kéo: Nam Đà, Đông Đà và Bắc Đà. Từ “Đà” nghĩa là “kéo - 拖”.

Tàu sửa chữa: Nam Tu, Đông Tu, Bắc Tu. Từ “Tu” ở đây có nghĩa là “tu sửa -修”.

Tàu chở nhiên liệu: Nam Du, Đông Du, Bắc Du. Từ “Du” ở đây có nghĩa là “dầu hoặc nhiên liệu - 油”.

Tàu vận tải: Nam Vận, Đông Vận, Bắc Vận. Từ “Vận” nghĩa là “vận tải - 运”.

Ngoài ra còn có rất nhiều các loại tàu khác như: Nam Khang, Đông Khang, Bắc Khang (tàu bệnh viện loại nhỏ); Nam Thủy, Đông Thủy, Bắc Thủy (tàu chở nước ngọt); Nam Lãm, Đông Lãm, Bắc Lãm (tàu kéo cáp); Nam Điều, Đông Điều, Bắc Điều (tàu điều tra, trinh sát)…

Các loại tàu khác không trực thuộc hạm đội mà trực thuộc Bộ tư lệnh hải quân hoặc các cơ quan có liên quan đến hoạt động hải dương khác như loạt tàu khảo sát viễn dương “Hướng Dương Hồng”, loạt tàu quan trắc điều khiển hàng không vũ trụ viễn dương “Viễn Vọng”; loạt tàu điều tra hải dương “Hải Dương” và “Thực Tiễn”…

Theo quy định đặt tên tàu của hải quân Trung Quốc, các tàu có chữ thứ 2 là “Cứu” thuộc loại tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển. Thời báo “Hoàn Cầu” và trang mạng China.com cũng đều khẳng định 2 tảu này thuộc dạng tàu cứu hộ. Trong biên chế của cả 3 hạm đội hải quân Trung Quốc đều có rất nhiều tàu làm nhiệm vụ này. Hạm đội Nam Hải có các tàu “Nam Cứu 502”, “Nam Cứu 503”, “Nam Cứu 510”…; hạm đội Đông Hải có “Đông Cứu 302”, “Đông Cứu 304”, “Đông Cứu 332”…; hạm đội Bắc Hải có “Bắc Cứu 122”, “Bắc Cứu 137” (nguyên là Nam Cứu 504), “Bắc Cứu 138”… Tất cả các tàu cùng hạm đội đều có số đầu tiên giống nhau, hạm đội Đông Hải bắt đầu là số 3. Như vậy con tàu 3 thân thứ 2 vừa mới xuất hiện trên mặt báo chắc chắn là tàu “Đông Cứu 335” chứ không phải là Bắc Cứu 335. Và rất có thể trong thời gian tới sẽ có 1 con tàu “Nam Cứu 5XX” xuất hiện.

Còn nữa...