Bắc Cực đang đổi màu

ANTĐ - Bắc Cực lạnh giá đang đổi màu cùng với sự biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu tốc độ tan băng nhanh như hiện nay vẫn tiếp tục, băng ở Bắc Cực sẽ không còn vào cuối thế kỷ này.
Bắc Cực đang đổi màu ảnh 1
Các nhà khoa học đang nghiên cứu về hiện tượng nóng lên ở Bắc Cực

Một công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ số ra ngày 17-2 kết luận, các lớp băng tại Bắc Cực đang trở nên kém sáng hơn do tình trạng tan băng nhanh gắn liền với hiện tượng Trái đất ấm lên. Hiện tượng này đưa đến một chu trình khép kín của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ Trái đất tăng lên khiến băng tan nhanh và băng tan lại tiếp tục làm tồi tệ thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Hải dương học ở California (Mỹ) đã sử dụng phương pháp đo lường bằng vệ tinh để tiến hành đo độ phản chiếu ánh sáng của các tảng băng ở Bắc Cực vào không gian, theo đó cho thấy các lớp băng đang ngày càng mỏng và trở nên sẫm màu hơn, gấp từ 2 đến 3 lần so với dự đoán trước đó. Nghiên cứu cũng cho thấy độ tối của các lớp băng tại Bắc Cực cũng tăng lên 8% so với giai đoạn 1979 và 2011. 

Nhà khoa học Ian Eisenman, đồng tác giả công trình nghiên cứu, giải thích thêm rằng việc băng tan nhanh vào mùa hè đã khiến nhiều các băng trở nên mỏng hơn vì thế để lộ ra những vùng nước màu đen của đại dương bên dưới. Chính điều này là nguyên nhân làm giảm khả năng phản xạ ánh sáng của biển băng, đồng nghĩa với việc nhiệt độ Trái đất tăng cao. 

Bởi theo nguyên lý của hiệu ứng Suất phản chiếu (Albedo), khi Mặt trời chiếu xuống băng tuyết, băng sẽ phản chiếu ánh sáng và một phần nhiệt lượng sẽ tỏa lên không trung. Nếu lớp băng càng dày, màu càng trắng thì mức độ phản chiếu càng mạnh, có thể mạnh gấp đôi tầng băng mỏng và gấp 10 lần mặt nước, thì lượng nhiệt tỏa lên sẽ nhiều hơn. Còn nếu lớp băng càng mỏng, hay thậm chí tan thành nước, thì sức phản chiếu ánh sáng sẽ giảm và Trái đất sẽ phải hấp thu nhiều năng lượng Mặt trời hơn.

Từ đo đạc và khảo sát thực tiễn cùng các lập luận khoa học trên, các nhà khoa học của Viện Hải dương học ở California đã đi đến kết luận là tan chảy và “hóa đen” băng Bắc Cực vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của hiện tượng Trái đất ấm lên. Các nhà khoa học cảnh báo, các núi băng ở Bắc Cực đang tan chảy với tốc độ chóng mặt, kéo theo mực nước biển dâng cao, thu hẹp môi trường sống của các loài sinh vật tại đây và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân những vùng ven biển.

Kết luận của các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học ở California cũng phù hợp với các số liệu quan trắc, đo đạc về việc tan băng tại Bắc Cực trước đó. Theo số liệu của Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ, các hình ảnh vệ tinh cho thấy lượng băng Bắc Cực đã tan chảy mạnh và tính đến tháng 9-2012 chỉ còn khoảng 3,4 triệu km2, mức thấp nhất kể từ khi hoạt động thu thập dữ liệu về lớp băng Bắc Cực được thực hiện từ năm 1979. Diện tích băng này đã giảm đáng kể so với diện tích 4,1 triệu km được ghi nhận vào tháng 9-2007.

Theo số liệu của các nhà khoa học, từ giai đoạn 1979 đến 2012, lượng băng ở Bắc Cực đã suy giảm trung bình 13% mỗi thập kỷ, cao hơn so với mức giảm 6% trong giai đoạn 1979-2000. Họ cảnh báo nếu xu hướng này tiếp tục, băng ở Bắc Cực sẽ không còn vào cuối thế kỷ này.