Ba điểm nóng toàn cầu tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN -  Nguy cơ chiến tranh có thể xảy đến từ cuộc khủng hoảng biên giới Nga-Ukraine, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan và vấn đề hạt nhân Iran.

Bình luận viên Gerald Seib mới đây đã có bài viết trên tờ The Wall Street Journal nêu lên những nguy cơ đang lớn dần về khả năng có thể nổ ra ba cuộc xung đột quân sự, rất dễ trở thành "bi kịch" đối với nước Mỹ.

Vị chuyên gia này chỉ ra, hiện nay đang có ba cuộc khủng hoảng tiềm ẩn đang diễn ra song song, bao gồm: Xung đột có thể xảy ra giữa Nga với Ukraine, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với Đài Loan và các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Khả năng đầu tiên làm bùng phát xung đột trong số những giả thuyết được nêu ra là cuộc "xâm lăng" của Nga vào Ukraine. Để chứng minh cho luận điểm này tác giả dẫn chứng việc Nga tập trung quân gần biên giới giáp Ukraine, mà quân số tối đa có thể huy động lên tới 175.000 người.

Cả ba điểm nóng toàn cầu đều có liên quan đến Nga và Trung Quốc
Cả ba điểm nóng toàn cầu đều có liên quan đến Nga và Trung Quốc

Ông Biden đã thảo luận về điều này với ông Putin vào tối ngày 07/12/2021 và Tổng thống Mỹ tuyên bố đã lên kế hoạch đáp trả mạnh mẽ bất kỳ động thái nào của Nga, nhưng phản ứng đó có vẻ như là đề cập đến hình thức trừng phạt kinh tế hơn là hành động quân sự.

Điểm nóng thứ hai có thể xảy ra xung đột là chiến dịch quân sự của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan dường như có chiều hướng lâu dài và chậm rãi hơn, nhưng nó cũng không kém phần nghiêm trọng.

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người gần đây nhất trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo Trung Quốc phát đi tín hiệu rõ ràng về ý định đưa Đài Loan trở về vòng kiểm soát của Bắc Kinh” - bài báo nhận xét.

Mặc dù ông Tập Cận Bình không phải là người đầu tiên có ý định thu hồi Đài Loan trở về vòng kiểm soát của Đại Lục, nhưng cơ sở để đi đến dự báo như vậy là mong muốn của nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này trong thời gian ông còn tại nhiệm.

Mối đe dọa thứ ba là khả năng các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran đổ vỡ, bởi từ lập trường của Iran trong các cuộc đàm phán, kết hợp với việc tăng cường làm giàu uranium cho thấy rằng, Tehran tràn đầy quyết tâm ít nhất phải đạt được ngưỡng hạt nhân.

Ông phán đoán rằng, cuối cùng Hoa Kỳ sẽ chấp thuận để Iran có quy chế hạt nhân, nhưng loại trừ khả năng Israel sẽ chấp nhận việc đó. Điều này có nghĩa là viễn cảnh xảy ra các hành động quân sự mỗi ngày một gay gắt hơn, nếu Tel Avip kéo Washington vào cuộc xung đột.

Vị chuyên gia Mỹ nhận định rằng, bất kỳ một trong những bế tắc này đều có khả năng làm lung lay trật tự thế giới và tạo ra xung đột rộng lớn hơn. Kết hợp lại với nhau, chúng báo hiệu rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đang ở một thời điểm nguy hiểm - có lẽ nguy hiểm hơn nhiều người Mỹ nhận ra.

Thách thức đối với Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo dân chủ mà ông sẽ tham vấn trong tuần này là tìm cách giữ sự vững vàng trên từng mặt trận, thể hiện sự cứng rắn với Nga, Iran và Trung Quốc mà vẫn đạt được mục đích và không gây ra khủng hoảng.