Aster-30 châu Âu “đá văng” HQ-9 Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ?

ANTĐ - Dưới sức ép của Mỹ và NATO, rất có thể hệ thống phòng không Aster-30 của châu Âu sẽ “hất văng” HQ-9 của Trung Quốc trong gói thầu mua sắm các hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà sản xuất vũ khí cho quân đội Trung Quốc trong một thời gian dài là sự lựa chọn hàng đầu của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, trong kế hoạch đấu thầu mua sắm hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa tầm xa T-LORAMIDS.

Nhưng những sự kiện xảy ra gần đây đã cho thấy, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xem xét phương án mua sắm hệ thống phòng ngự đất đối không tầm trung SAMP/T, dựa trên nền tảng của loại tên lửa phòng không “Aster-30”, có tầm bắn 20km của Pháp.

Một tờ báo địa phương dẫn nguồn tin từ Ban thư ký công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông Murad Bayar - trưởng ban này, gần đây đã có buổi họp kín với đại biểu của Tập đoàn sản xuất tên lửa châu Âu, mục đích chính là đề xuất các phương án hợp đồng trong gói thầu hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Aster-30 châu Âu “đá văng” HQ-9 Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ? ảnh 1

Hệ thống tên lửa phòng không “Aster- 30” của châu Âu


Trước đây, Trung tâm phân tích buôn bán vũ khí thế giới của Nga đã từng cho biết, Tổng công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác của Trung Quốc (CPMIEC) thắng gói thầu mua sắm hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa  tầm xa T-LORAMIDS của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9 năm 2013.

Tham gia tranh thầu với Trung Quốc khi đó là Liên danh giữa công ty Lockheed Martin - Raytheon của Mỹ với tên lửa PAC-3, công ty xuất nhập khẩu quốc phòng Nga với hệ thống S-300 của công ty tên lửa phòng không Almaz-Antei và Công ty liên doanh sản xuất tên lửa châu Âu - một liên danh Pháp - Italia với hệ thống phòng không Aster-30.

Quyết định lựa chọn hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 (Phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không “Hồng Kỳ-9”, tức HQ-9) của CPMIEC Trung Quốc đã được Ban thư ký công nghiệp quốc phòng nước này đưa ra vào ngày 26-9-2013.

Aster-30 châu Âu “đá văng” HQ-9 Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ? ảnh 2

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 Trung Quốc


Khi đó, phía Trung Quốc đã đưa ra giá bỏ thầu thấp nhất trong 4 bộ hồ sơ là 3,44 tỷ USD, đồng thời còn đưa ra đề nghị hợp tác sản xuất các thiết bị linh kiện tên lửa, hết sức hấp dẫn đối với các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, CPMIEC đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ khi xuất khẩu các thiết bị quân sự cho Iran, Syria và Triều Tiên.

Dưới sức ép liên tục của các quốc gia phương Tây, lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần kéo dài kỳ hạn chót việc đưa ra hồ sơ đấu thầu sửa đổi, với mong muốn tập đoàn tên lửa châu Âu và các nhà sản xuất vũ khí Mỹ có thể đưa ra giá dễ chấp nhận hơn (hiện Almaz-Antei của Nga với S-300 đã bỏ cuộc).

Kỳ hạn chót nộp hồ sơ đấu thầu lần này là ngày 30-8-2014. Đến thời điểm này, kết quả cạnh tranh cơ bản đã rõ ràng, nếu lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ quyết định không tiếp tục tiến hành đàm phán với công ty của Trung Quốc thì Tập đoàn sản xuất tên lửa châu Âu sẽ vượt các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ để trở thành người cạnh tranh chính trong gói mua sắm này.