ASEAN phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc trở thành một điểm sáng phục hồi kinh tế khi kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn đã giúp các nền kinh tế ASEAN trở thành một điểm đến then chốt của giới kinh doanh toàn cầu.

Đón “sóng” chuyển dịch chuỗi cung ứng

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp thế giới từ tháng 3-2022 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến các quốc gia Đông Nam Á. Cùng với hàng triệu ca nhiễm và hàng trăm nghìn người tử vong, đại dịch còn ảnh hưởng tiêu cực các nền kinh tế mới nổi của Đông Nam Á, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động.

Khi các quốc gia Đông Nam Á dần kiểm soát được dịch bệnh, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là “đại công xưởng của thế giới” là Trung Quốc lại liên tục phong tỏa các trung tâm sản xuất lớn và một số cảng biển then chốt như Thượng Hải và Thiên Tân do thực hiện chính sách “Không Covid” dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dai dẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc nói chung, quan hệ kinh tế thương mại nói riêng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng là nhân tố khiến các tập đoàn hàng đầu thế giới phải tính tới việc san sẻ rủi ro, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.

Với tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, ASEAN đang trở thành điểm đến của vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

Với tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, ASEAN đang trở thành điểm đến của vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

Sự gián đoạn, đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu càng trầm trọng thêm bởi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Nhiều loại vật tư, vật liệu, linh kiện cũng như nguyên liệu, nhiên liệu thiết yếu cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các nước Đông Nam Á đã liên tục bị gián đoạn, thiếu hụt, tắc nghẽn…

Dù bị ảnh hưởng lớn, song việt đứt gãy chuỗi cung ứng cũng mở ra những cơ hội cho những nền kinh tế các thành viên ASEAN. Nhiều tập đoàn, nhà sản xuất, cung ứng lớn của khu vực và thế giới đã lên kế hoạch, thực hiện việc chuyển dịch các cơ sở sản xuất, nhà máy tới các nước Đông Nam Á - nơi đã kiểm soát tốt đại dịch và đang hồi phục nhanh.

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng thuộc S&P Global Market Intelligence, cho rằng Đông Nam Á là một phần quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là đối với ngành điện tử. Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chậm trễ nghiêm trọng về thời gian giao hàng đối với các linh kiện then chốt trong ngành điện tử toàn cầu trong suốt thời kỳ dịch bùng phát, các công ty điện tử ngày càng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á.

Ông Mick Aw, cố vấn cấp cao của công ty dịch vụ chuyên nghiệp Moore Stephens, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các doanh nghiệp chuyển hướng khỏi Trung Quốc sau đại dịch. Theo ông, căng thẳng Mỹ -Trung Quốc leo thang và những hạn chế trong chuỗi cung ứng do các đợt phong tỏa nhằm kiểm soát dịch tại Trung Quốc khuyến khích một số doanh nghiệp đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á. Những diễn biến này tăng cường vai trò của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đem lại dòng vốn dồi dào và triển vọng việc làm mới sau hai năm gián đoạn do dịch.

Trong xu hướng điều chỉnh và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Trong năm 2020, Việt Nam là một trong các trung tâm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình đa dạng chuỗi cung ứng. Kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi kinh tế nhanh càng mang lại lợi thế cho Việt Nam khi giữa “vòng xoáy” của đại dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2021 vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Duy trì tốc độ hồi phục nhanh và bền vững

Tất nhiên, việc các nền kinh tế ASEAN có đón được “sóng” chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, dù nhiều nhà đầu tư mong muốn đa dạng mạng lưới sản xuất và phân phối tại các nước Đông Nam Á, song Trung Quốc hiện vẫn là một “đại công xưởng” khó có thể thay thế trong ngày một ngày hai, đồng thời nền kinh tế này vẫn có năng lực cạnh tranh vượt trội về thị trường, hiệu quả theo quy mô, kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung lao động có kỹ năng so với các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. Đó là chưa kể các nước ASEAN còn phải cạnh tranh với Ấn Độ hay các quốc gia khác ở Nam Á.

Để thu hút các nhà đầu tư FDI trong xu hướng dịch chuyển, khu vực ASEAN cần kiểm soát tốt hơn, không để đại dịch tái bùng phát, đồng thời duy trì sự phục hồi nhanh và quan trọng nhất là hồi phục một cách bền vững của nền kinh tế. Điều tích cực và đáng lạc quan là các số liệu thống kê mới cho thấy, các nền kinh tế Đông Nam Á về tổng thể vẫn đang tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và việc nới lỏng các hạn chế nhằm kiểm soát dịch.

Theo đó, từ các số liệu tháng 6-2022, công ty phân tích thị trường S&P Global cho rằng, đang có sự tăng trưởng tổng thể vững chắc trong lĩnh vực sản xuất của khu vực. ASEAN được dự báo là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và Đông Nam Á sẽ vẫn là điểm đến then chốt cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo nhà kinh tế trưởng của Công ty phân tích thị trường S&P Global, 6 trong 7 nước thành viên ASEAN đã ghi nhận tăng trưởng kinh tế trong tháng 6 vừa qua với Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng tháng thứ 7 liên tiếp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 37% GDP của thế giới năm 2021 và ASEAN là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới hiện nay.

Với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, đi lại đã hồi phục hoàn toàn, Việt Nam đang là một điểm sáng tăng trưởng, điểm đến an toàn và hấp dẫn của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ông John Palu Lech, Giám đốc đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Matthews Asia, đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trở lại lộ trình phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và là “ngôi sao” của thị trường cận biên. Tiếp nối đà tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021, trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư FDI vào Việt Nam tăng gần 9%, lên 10,1 tỷ USD.

Cùng quan điểm, nhà kinh tế Chua Han Teng thuộc ngân hàng DBS lớn nhất Singapore dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7% trong năm nay, đáp ứng mục tiêu đề ra. Theo đó, lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn được coi là bệnh đặc hữu. Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ, đang phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành nghề. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang gia tăng.