ASEAN mạnh tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

ANTD.VN - Dịch bệnh Covid-19 đã lây lan khắp thế giới với số ca tử vong vượt quá 7.415 người với hơn 183.000 ca nhiễm bệnh ở hơn 142 quốc gia và vũng lãnh thổ. Đến nay, trong khối ASEAN, Lào và Myanmar là 2 quốc gia chưa ghi nhận bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào kể từ khi đại dịch bùng phát tại khu vực gần 2 tháng trước trong khi các quốc gia láng giềng như Malaysia, Philippines, Thái Lan… đang phải vật lộn để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này. 

Philippines đóng cửa thị trường chứng khoán

ASEAN mạnh tay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ảnh 1Malaysia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phong tỏa đất nước để phòng chống dịch

Philipines trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa thị trường chứng khoán do dịch Covid-19 bùng phát để bảo đảm an toàn cho các nhân viên và các nhà giao dịch. Nhà chức trách cho biết thị trường chứng khoán Philippines đóng cửa vô thời hạn từ ngày 17-3 cho tới khi có thông báo tiếp theo. Trong khi đó, các giao dịch tiền tệ và trái phiếu cũng tạm dừng tới ngày 18-3. Mặc dù vì lý do y tế, song việc Philippines đóng cửa thị trường chứng khoán làm dấy lên khả năng các nước khác cũng “nối gót” theo.

Cùng với đó, Chính phủ Philippines đã chi 27,1 tỷ peso (khoảng 526 triệu USD) để đối phó với sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và hỗ trợ cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo đó, gói hỗ trợ tài chính này sẽ dành khoản bổ sung 3,1 tỷ peso hỗ trợ trực tiếp cho những biện pháp ngăn chặn lây lan của Covid-19; hỗ trợ khoảng 2 tỷ peso cho các biện pháp bảo vệ xã hội đối với những người lao động dễ bị tổn thương; huy động khoảng 1,2 tỷ peso sẵn có trong Hệ thống An sinh Xã hội dành cho người lao động bị mất việc làm; triển khai các chương trình hỗ trợ tới 14 tỷ peso cho lĩnh vực du lịch; dành 2,8 tỷ peso cho các khoản vay không lãi suất dành cho nông dân, ngư dân và 1 tỷ peso cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ bị ảnh hưởng.

Malaysia phong tỏa đất nước để chống dịch 

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đóng cửa đất nước từ ngày 18 đến 31-3 để phòng chống dịch Covid-19. Malaysia là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á tiến hành phong tỏa toàn quốc để ứng phó với Covid-19. Trước đó, Philippines mới chỉ phong tỏa khu vực Thủ đô Manila.

“Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng. Chúng ta không thể chờ tình hình xấu hơn nữa. Cần hành động quyết liệt ngay lập tức và hạn chế di chuyển để ngăn dịch bệnh lan rộng. Đây là cách duy nhất để chúng ta ngăn số người nhiễm gia tăng. Đợt bùng phát mới có thể hủy hoại cuộc sống nhiều người” - Thủ tướng Yassin cho biết. Theo người đứng đầu Chính phủ Malaysia, quyết định này đồng nghĩa với việc tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị và cửa hàng bán rau quả. Trong cùng thời gian, tất cả các cơ sở của chính quyền cũng như khu vực tư nhân cũng sẽ bị đóng cửa, trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh. Ông Muhyiddin cho biết thêm, đóng cửa cũng có nghĩa tất cả người Malaysia bị cấm đi ra nước ngoài và không có khách du lịch hay người nước ngoài nào được phép vào Malaysia.

Campuchia đóng cửa toàn bộ các quán karaoke, rạp chiếu phim

Ngày 17-3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các quán dịch vụ karaoke KTV rạp chiếu phim  trên cả nước để ngăn chặn dịch Covid-19. Thông báo này được đưa ra sau khi số lượng ca mắc Covid-19 tại Campuchia được xác nhận đã tăng gấp đôi, lên tổng số 24 trường hợp tính tới ngày 17-3. Trước đó, ngày 16-3, các trường học các cấp trên lãnh thổ Campuchia đã đóng cửa nghỉ hè sớm trong bối cảnh số trường hợp mắc Covid-19 gia tăng. Lễ hội thường niêm Angkor Songkran diễn ra vào giữa tháng 4 cũng bị hủy bỏ. 

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Campuchia đã tuyên bố lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia như Italia, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, có hiệu lực từ ngày 17-3. Thủ tướng Hun Sen cũng đã chỉ đạo khẩn một số biện pháp ngăn ngừa, chống lây lan dịch Covid-19. Trong đó bao gồm ban hành Hướng dẫn người dân không đi đến các nước châu Âu, Mỹ và Iran nếu không có việc cấp bách. Các bộ, ban ngành trung ương và cấp dưới không cử cán bộ đi công tác, họp tại các nước châu Âu, Mỹ và Iran. 

Trong khi đó, tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã thông qua kiến nghị hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước, dự kiến vào giữa tháng 4 tới do lo ngại kỳ nghỉ này có thể làm cho tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Thái Lan trầm trọng hơn. Cùng với đó, Trung tâm Xử lý dịch bệnh Covid-19 cho biết cơ quan này sẽ trình lên nội các kiến nghị buộc tất cả các địa điểm giải trí đóng cửa từ 20h hàng ngày, đồng thời yêu cầu các trường đại học cho sinh viên tạm nghỉ và triển khai giảng dạy trực tuyến từ ngày 1-4 cho tới khi tình hình được cải thiện. 

Hành khách từ các nước ASEAN bay đến Việt Nam phải cách ly 14 ngày

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong việc đẩy mạnh phòng chống dịch, ngày 17-3, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không thông báo đến tất cả các nước thuộc khu vực Đông Nam Á (ASEAN) cân nhắc kỹ việc mua vé đến Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam yêu cầu hành khách là công dân các nước ASEAN hoặc công dân quốc gia khác đã từng ở hoặc quá cảnh các nước ASEAN trong vòng 14 ngày trước ngày nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung bắt buộc 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.  “Việc cách ly này có hiệu lực từ 0 giờ ngày 18-3-2020,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết.

Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam khi thực hiện chuyến bay quốc nội yêu cầu tất cả hành khách thực hiện kê khai y tế bắt buộc (hành khách phải kê khai trung thực hành trình của mình trong vòng 14 ngày trước đó) khi làm thủ tục hàng không (check-in), đặc biệt thông báo và hướng dẫn hành khách sử dụng hình thức kê khai điện tử nhằm hạn chế tối đa sự phiền hà cho hành khách khi thực hiện kê khai y tế bắt buộc.

Các hãng hàng không tổ chức kiểm tra thân nhiệt tất cả hành khách trước khi lên tàu bay. Cảng vụ hàng không phối hợp với đơn vị kiểm tra dịch y tế tại Cảng hàng không đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các hãng hàng không Việt Nam.

Hơn 500 triệu học sinh trên thế giới phải nghỉ học 

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, ít nhất 56 quốc gia trên thế giới đã phải đóng cửa các trường học trên toàn quốc vì các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến 516 triệu học sinh. Con số này gia tăng đáng kể so với những số liệu thống kê công bố hồi tuần trước - khi chỉ có 15 quốc gia đóng cửa toàn bộ trường học trên toàn quốc và 14 quốc gia thực hiện việc đóng cửa trường học ở một số khu vực.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về lĩnh vực giáo dục, bà Stefania Giannini nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với một tình huống bất thường, khi rất nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng do cùng một vấn đề và trong cùng một khoảng thời gian. Bà đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau nỗ lực giải quyết không chỉ những ảnh hưởng trước mắt đối với ngành giáo dục do cuộc khủng hoảng chưa từng có này gây ra, mà còn phải xây dựng khả năng phục hồi lâu dài của hệ thống giáo dục tại các nước. UNESCO cho biết tổ chức này đang phối hợp với các quốc gia bị ảnh hưởng do sự bùng phát của dịch Covid-19  nhằm tìm kiếm mọi giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện cơ sở hạ tầng của mỗi nước để đảm bảo việc học của học sinh diễn ra liên tục.