ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quốc gia ASEAN đang nỗ lực triển khai việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; định hướng chiến lược phát triển của ASEAN trong 20 năm tới nhằm hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm.

Chương trình nghị sự dày đặc

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị liên quan hôm nay (5-9) bắt đầu diễn ra tại Thủ đô Jakarta của Indonesia là loạt hội nghị có quy mô lớn nhất từng được tổ chức trong lịch sử ASEAN với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước thành viên cùng Timor Leste với tư cách quan sát viên, 9 nước đối tác đối thoại đồng thời là các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS - bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Nga, Mỹ) và người đứng đầu 9 tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB)... Đáng chú ý, Thủ tướng Campuchia Hun Manet lần đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan sau khi nhậm chức ngày 22-8 vừa qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là chuỗi hoạt động cấp cao quan trọng kết thúc Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”. Các hội nghị này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng. Kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tích cực hơn nhưng nhịp độ chưa ổn định, có thể bị đảo chiều.

Chuyển đổi phương thức kết nối, tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới tự chủ bền vững trở thành nhu cầu bức thiết của hầu hết các nước. Liên kết kinh tế đa chiều với các kết nối đa dạng là phương thức được nhiều nước lựa chọn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vừa là tâm điểm của tăng trưởng, vừa là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược. Đông Nam Á vẫn được coi là điểm sáng về kinh tế song xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực sụt giảm. Cùng với đó, trong khu vực tình hình Myanmar, Biển Đông... là chủ đề quan tâm lớn.

Dù vậy, ASEAN vẫn là một điểm sáng kinh tế với việc đạt được những hiệu suất kinh tế vĩ mô hết sức tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 5,7% nhờ đáng kể vào tiêu dùng, thương mại và đầu tư nội khối; tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và đầu tư đều tăng lên mức kỷ lục, lần lượt đạt 3.800 tỷ USD (tăng 14,9%) và 224,4 tỷ USD (tăng 5,5%). Tăng trưởng của ASEAN càng ấn tượng hơn khi cả thế giới vẫn đang chịu nhiều hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như những bất ổn về địa chính trị.

Trong bối cảnh đó, chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm duy trì, củng cố khả năng phục hồi (hiện tại); tận dụng, phát huy các động lực mới (tương lai gần); và xây dựng tầm nhìn dài hạn (tương lai xa). Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đã rất tích cực đẩy mạnh triển khai các ưu tiên, sáng kiến; qua đó, vừa tạo động lực cho ASEAN phát triển, vừa củng cố vai trò của ASEAN trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực.

Dự kiến, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, các nước sẽ đánh giá tình hình triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; định hướng chiến lược phát triển của ASEAN trong 20 năm tới, hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm; kiểm điểm và thảo luận phương hướng, biện pháp tăng cường, làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; đồng thời trao đổi về tình hình khu vực và thế giới.

ASEAN dự kiến thông qua và ghi nhận nhiều văn kiện quan trọng như: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN IV, Tuyên bố ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng…; các văn kiện về những lĩnh vực hợp tác cụ thể trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong lĩnh vực an ninh lương thực, kinh tế số, kinh tế biển xanh, nông nghiệp, hệ sinh thái xe điện, phát triển gia đình và bình đẳng giới, giáo dục mầm non, hòa nhập cho người khuyết tật...

Đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam

Để chuẩn bị cho chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Việt Nam thời gian qua đã tham gia rất tích cực, có những đóng góp cụ thể và thực chất vào các sáng kiến và văn kiện mà ASEAN trình lên hội nghị để các nhà lãnh đạo thông qua. Ngay từ năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất là đã đến lúc ASEAN cần nhìn xa hơn và đưa ra các định hướng phát triển tương lai sau năm 2025. Tiếp tục triển khai sáng kiến của Năm Chủ tịch Việt Nam, hội nghị lần này sẽ đặc biệt tập trung thảo luận và dự kiến thông qua bộ văn kiện hết sức quan trọng là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về Tầm nhìn ASEAN năm 2045.

Với vai trò là cơ quan đầu mối được giao trách nhiệm đàm phán nhiều văn kiện trong cả năm nay, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã tích cực, chủ động đóng góp các sáng kiến. Phái đoàn Việt Nam cùng phái đoàn các nước ASEAN và các nước đối tác đều tham gia và đóng góp ý kiến cho nhiều văn kiện lớn như các tuyên bố chung, trong đó một số tuyên bố dự kiến được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43. Các nước đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của Việt Nam, qua đó giúp củng cố hơn nữa hình ảnh, vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 và các Hội nghị Cấp cao liên quan nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư; truyền tải thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đến bạn bè ASEAN và quốc tế về một Việt Nam hòa hiếu, hợp tác, hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động, hiệu quả hơn vào các tiến trình khu vực. Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên duy trì, đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, củng cố vai trò trung tâm, phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định, phát triển.

Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị, hoạt động liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chia sẻ quan điểm của Việt Nam, đề xuất các sáng kiến, định hướng trong nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm Tăng trưởng”, củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới, đáp ứng kỳ vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Cùng với tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo của nhiều nước, tổ chức quốc tế tham dự hội nghị để thúc đẩy hợp tác song phương và trao đổi về các vấn đề quan tâm. Trong đó, Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN với chủ đề “ASEAN trong thế giới đa cực”; tham dự Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để lắng nghe, trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hạ tầng xanh, tài chính bền vững, kinh tế sáng tạo…

Với tâm thế sẵn sàng, chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục mang tới nhiều đóng góp quan trọng cho thành công chung của hội nghị, cùng mong muốn về một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, phát triển, vững mạnh và là lực lượng hạt nhân trong duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.