ASEAN - Ấn Độ hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quan hệ hữu nghị ASEAN -Ấn Độ tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ với việc hai bên nhất trí hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong tương lai.

Sự tương đồng tạo nền tảng cho quan hệ phát triển

Đây là kết quả nổi bật vừa được thông qua tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác giữa hai bên, được tổ chức tại New Delhi ngày 16-6. Nó là sự tiếp nối xu hướng tích cực trong quan hệ giữa hai bên trong những năm qua.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar khẳng định, ASEAN không chỉ là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông, mà còn cả trong tổng thể chính sách đối ngoại và là trọng tâm Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ. Ấn Độ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, coi trọng mối quan hệ láng giềng gần gũi với ASEAN và mong muốn nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ấn Độ dự Hội nghị

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ấn Độ dự Hội nghị

Còn các bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN thì nhấn mạnh mối liên kết truyền thống hàng thế kỷ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á tạo nền tảng cho quan hệ ASEAN-Ấn Độ đạt nhiều tiến triển qua 3 thập kỷ. Đặc biệt trong 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hai bên đã phối hợp duy trì và thúc đẩy quan hệ phát triển tích cực, năng động.

Quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ bắt đầu bằng việc thiết lập Quan hệ đối tác vào năm 1992 và nhanh chóng tiến tới Quan hệ đối tác toàn diện tháng 12-1995, Đối tác cấp cao năm 2002 và Đối tác chiến lược năm 2012. Sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ này khởi nguồn từ những mối liên hệ lịch sử, văn hóa, giao thương hàng nghìn năm giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, đồng thời không ngừng được xây đắp và tăng cường trong 30 năm qua.

Chính nhờ thế, quan hệ ASEAN-Ấn Độ phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại. Bất chấp đại dịch Covid-19, thương mại song phương đã tăng từ 5,8 tỷ USD năm 1996 lên 84,39 tỷ USD vào năm 2021. Ấn Độ còn là thị trường tiêu thụ dầu cọ lớn nhất của Indonesia và Malaysia, trong khi Singapore là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Ấn Độ. Trước đại dịch, năm 2019, hơn 5 triệu khách du lịch Ấn Độ đã đến các nước ASEAN.

Các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng quan tâm đến thị trường ASEAN vì các ưu điểm như quy mô thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng tích cực, cũng như sự gần gũi về văn hóa và địa lý. Các sản phẩm của Ấn Độ, từ những loại xe 2 bánh - 3 bánh, cho đến mỹ phẩm, thực phẩm thường khá phù hợp với văn hóa thị trường ASEAN do sự hiện diện của cộng đồng người Ấn, cũng như do lịch sử thương mại lâu đời giữa tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á. Thêm vào đó, Ấn Độ có lợi thế hơn trong việc phục vụ các phân khúc bình dân vốn nhạy cảm về giá của các thị trường ASEAN.

Hai bên cũng hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực an ninh chính trị bởi có khá nhiều tương đồng quan điểm trên các vấn đề quốc tế và khu vực. Ấn Độ và ASEAN đều chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự tương đồng đó thể hiện ở việc Ấn Độ rất coi trọng vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN; đều coi trọng tính tôn trọng pháp luật và thượng tôn pháp luật; đều mong muốn xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển cũng như một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở theo luật pháp quốc tế. Trong các vấn đề quốc tế, các nước ASEAN và Ấn Độ đều chia sẻ quan điểm ủng hộ hòa bình và lẽ phải.

5 lĩnh vực tiềm năng trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ

Trên cơ sở của những kết quả đã đạt được, có thể thấy đã đến lúc ASEAN và Ấn Độ cần đưa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện lên tầm cao mới, đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ, các bộ trưởng nhất trí phối hợp thúc đẩy quan hệ ASEAN-Ấn Độ phát huy vai trò chiến lược, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, thông qua triển khai hiệu quả Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác triển khai quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực năm 2021, Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2021-2025 và khai thác hiệu quả thị trường ASEAN-Ấn Độ rộng lớn gần 2 tỷ người dân với tổng GDP đạt gần 6.000 tỷ USD.

Theo đó, ASEAN và Ấn Độ nhất trí tiếp tục ưu tiên phục hồi, nâng cao năng lực y tế, bảo đảm cung ứng đầy đủ vaccine và thuốc điều trị; tăng cường hợp tác biển bền vững, ứng phó khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và bạo lực cực đoan; đẩy mạnh trao đổi kinh tế, thương mại nhằm sớm đạt được mục tiêu 200 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương, triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-Ấn Độ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau. Đồng thời, thúc đẩy kết nối, bao gồm kết nối vật chất, kết nối số và giao lưu văn hóa, du lịch, kết nối người dân.

Hai bên nhất trí sớm nối lại thảo luận xây dựng Hiệp định vận tải hàng không ASEAN-Ấn Độ, tăng cường hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Ấn Độ khẳng định sẽ đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực thông qua Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), phát triển tiểu vùng thông qua Hợp tác Mekong-Sông Hằng, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác nông nghiệp, quản lý nguồn nước, khoa học công nghệ, năng lượng, giáo dục…

Theo báo cáo đánh giá của Standard Chartered, có 5 lĩnh vực có nhiều tiềm năng trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ, bao gồm công nghệ thông tin và kinh tế mới, dược phẩm, năng lượng tái tạo, ô tô và thương mại. Trước cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số vốn đang bùng nổ mạnh ở ASEAN, nhiều “kỳ lân” Ấn Độ (những start-up được định giá trên 1 tỷ USD) đang nhắm đến các thị trường ASEAN để đẩy mạnh tăng trưởng. Trong khi Malaysia và Thái Lan là những điểm đến hấp dẫn đối với các công ty công nghệ thông tin của Ấn Độ, thì Việt Nam và Philippines lại thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng từ Ấn Độ.

Về mặt dược phẩm, dân số già ở một số thị trường nhất định như Thái Lan và Singapore, cùng với tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến lối sống ngày càng phổ biến dự kiến sẽ thúc đẩy chi tiêu cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trên toàn khu vực. Là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu thuốc lớn nhất thế giới, các công ty dược phẩm của Ấn Độ rõ ràng có cơ hội tốt để đáp ứng những nhu cầu này của ASEAN.