Áp lực “già hóa” dân số

ANTĐ - Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, tới năm 2050, số người cao tuổi trên thế giới (tính từ 60 tuổi trở lên) sẽ vượt số thiếu niên dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, đứng trước một xu thế đã định hình rõ, phần lớn các nước lại chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng này. 

Bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi đang là vấn đề toàn cầu

Đây là kết luận nêu trong báo cáo “Danh mục theo dõi già hóa dân số toàn cầu” do các chuyên gia Liên hợp quốc (LHQ) phối hợp với một nhóm các nhà hoạt động vì quyền của người cao tuổi thực hiện và công bố vào Ngày Quốc tế người cao tuổi của LHQ (1-10). Dựa trên tiêu chí chất lượng sống và các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người cao tuổi, báo cáo xếp hạng 91 nước, đứng đầu là Thụy Điển; tiếp theo là Na Uy, Đức, Hà Lan, Canada và cuối bảng là Afghanistan.

Nhờ thành tựu của y học và hoạt động chăm sóc y tế, dinh dưỡng, tuổi thọ của con người liên tục tăng cao, tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội cũng tăng theo. Ví dụ, để tăng dân số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên từ 7% đến 14%, nước Pháp đã phải mất hơn một thế kỷ, trong khi ở Brazil chỉ diễn ra trong hai thập kỷ. Có điều là chất lượng, yêu cầu về chăm sóc người cao tuổi, bao gồm đảm bảo thu nhập, nhà ở và chăm sóc sức khỏe, ở nhiều nước lại không tăng.

Chẳng hạn ở Afghanistan, quốc gia đứng cuối cùng trong bảng đánh giá, chính phủ không có chính sách trợ cấp lương hưu cho những người không làm việc trong cơ quan nhà nước. Tình trạng người cao tuổi không nhận được sự chăm sóc đúng mức của xã hội cũng phổ biến ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Jordan, Mông Cổ, Nicaragua… Vì thế, các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về chính sách phúc lợi xã hội hỗ trợ người cao tuổi đa phần là các nước tiên tiến. 

Có một thực tế là già hoá nhanh cũng gây những ảnh hưởng tương tự như tăng trưởng dân số nhanh. Trước hết, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh là một thách thức lớn đối với hệ thống bảo trợ xã hội, an sinh xã hội. Số người về hưu và thời gian hưởng lương hưu tăng lên, đòi hỏi phải hình thành một hệ thống lương hưu dài hạn đủ sống, đang trở thành một sức ép đối với cả các nước phát triển và đang phát triển. 

Áp lực này sẽ làm cho các vấn đề kinh tế-xã hội, môi trường có nhiều biến động không thể lường trước, hệ quả làm nảy sinh những vấn đề dân số mới. Tại các quốc gia đang phát triển, nhiều chính phủ ngần ngại đương đầu với vấn nạn này một phần do lo ngại đây là vấn đề phức tạp và tốn kém. 

Nhưng già hóa là xu thế không thể tránh. Thực tế cho thấy già hóa dân số không phải là một gánh nặng nhưng sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội trở nên trầm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Chính vì thế, theo Tổ chức Y tế Thế giới, với người cao tuổi, vấn đề cần quan tâm trước hết là chăm sóc sức khoẻ, nhân tố hàng đầu bảo đảm cho họ có cuộc sống tốt về thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần. Ở các quốc gia phát triển, các bệnh nổi lên với người già là tim mạch, ung thư, tiểu đường, rối loạn chuyển hoá, Alzheimer… Ở các nước đang phát triển, đó là các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng…