Áp lực dân số đè nặng

ANTĐ - Cơ cấu dân số thế giới đang có những bước chuyển dịch mới, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ sẽ diễn ra tại châu Phi. Dự báo này đang làm người ta lo ngại về những hệ lụy đi kèm.

Kết quả một công trình nghiên cứu mới do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 21-11 cho thấy, mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục chiếm phần lớn trong bức tranh dân số thế giới, song Nigeria sẽ là nước có mức tăng dân số dưới 18 tuổi nhanh nhất thế giới, với việc có thêm 31 triệu trẻ em, tăng 41% trong giai đoạn 2010-2025. Tính trung bình, từ nay đến năm 2050, cứ ba đứa trẻ ra đời trên thế giới, có một trẻ ở châu Phi. 

Ngày 31-10 năm ngoái, thế giới chứng kiến sự kiện công dân thứ 7 tỷ trên Trái đất cất tiếng khóc chào đời. Trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng trưởng với tốc độ chưa từng thấy. Nếu như năm 1959, trên Trái đất mới có 3 tỷ người, thì dự kiến đến năm 2050, con số đó sẽ lên tới 9,3 tỷ. Còn trong thế kỷ này, nhiều biến đổi lớn sẽ diễn ra: Dân số châu Phi sẽ tăng gấp ba, trong khi Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Dân số thế giới tăng nhanh là một thành tựu lớn, khẳng định những tiến bộ của loài người trong chất lượng sống và chăm sóc sức khỏe. Tuổi thọ trung bình của thế giới đã tăng từ 48 tuổi vào những năm đầu thập kỷ 50 lên khoảng 68 tuổi như hiện tại. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm từ mức 133/1.000 ca sinh nở trong thập kỷ 50 xuống còn 46/1.000 ca trong 5 năm vừa qua.

Tuy nhiên, đằng sau thành công đó là những mối lo chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Đi liền với tăng dân số là những thách thức mà loài người đang và sẽ phải đối mặt, như nghèo đói, bệnh tật, môi trường bị tàn phá, sự mất cân bằng về dân số giữa thành thị và nông thôn, cũng như tình trạng di cư từ các nước nghèo sang các nước phát triển…

Một thách thức lớn nữa không thể bỏ qua, đó là vấn đề lương thực. Trong những năm gần đây, cùng với “bão” tài chính, khủng hoảng lương thực đã trở thành một cụm từ quen thuộc trong nhiều diễn đàn lớn của thế giới. Giới chuyên gia cảnh báo nỗi ám ảnh cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 càng trở nên đáng sợ khi giá loại hàng hóa đặc biệt này không ngừng biến động. Còn theo Ngân hàng Thế giới , kể từ tháng 6-2010, giá lương thực tăng cao và đầy biến động đã khiến gần 44 triệu người thiếu đói, với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. 

Là nơi ẩn chứa nhiều thách thức nhất như chiến tranh, thiên tai, trình độ phát triển thấp… châu Phi sẽ phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn khi cuộc chuyển dịch mới về cơ cấu dân số diễn ra trên lục địa này. UNICEF dự báo tỷ lệ tử vong trong số trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tăng tại khu vực Nam sa mạc Sahara, đặc biệt trong tầng lớp người nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội tại những nước quá đông dân và thu nhập thấp.

Quả là những cảnh báo không vui cho thấy thế giới nói chung và châu Phi nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn về dân số. Đây không phải là những vấn đề đơn giản, có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực chung từ người dân tới chính phủ và cộng đồng quốc tế. Có như vậy mới có thể hy vọng về một Trái đất xanh và bình yên cho thế giới.