Áp giá trần với dầu mỏ của Nga: Cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc các quốc gia nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) cùng Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt áp giá trần với dầu mỏ xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã đẩy cuộc chiến kinh tế giữa hai bên leo lên nấc thang mới cùng những hệ lụy chưa lường hết vào lúc này không chỉ đối với kinh tế hai bên mà cả nền kinh tế toàn cầu.

Áp giá trần hay leo thang trừng phạt?

Quyết định gây tranh cãi của các quốc gia phương Tây cùng đồng minh của họ về việc áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã gây ra những tác động tiêu cực đầu tiên. Ngay trong ngày đầu tiên mà quyết định này có hiệu lực, ngày 5-12, đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu tại các vùng biển ngoài khơi của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia nhập khẩu dầu thô của Nga cho không chỉ quốc gia này mà nhiều quốc gia khác ở châu Âu.

Tình trạng tắc nghẽn xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các tàu phải có bảo hiểm đầy đủ mới được đi qua các eo biển của nước này sau khi việc áp giá trần dầu thô của Nga có hiệu lực. Hiện 19 tàu chở dầu đang chờ giấy phép để đi vào eo biển Bosporus và Dardanelles, trong đó chiếc đầu tiên đến đây từ ngày 29-11 và đã phải xếp hàng chờ đợi 6 ngày qua.

Một tàu dầu của Nga tại một cảng ở phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ

Một tàu dầu của Nga tại một cảng ở phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ

Trên đây là hệ lụy tiêu cực đầu tiên từ quyết định áp giá trần đối với dầu thô của Nga xuất khẩu qua đường biển mà các quốc gia phương Tây và đồng minh vừa mới ban hành. Trước đó, vào ngày 2-12, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7, gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italia, Nhật Bản và Canada) và Australia đã nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng kể từ ngày 5-12.

Quyết định áp giá trần đối với giá dầu thô xuất khẩu của Nga về phạm vi điều chỉnh là nhóm G7, các thành viên EU và Australia, song trên thực tế quyết định này tác động rất sâu rộng tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong quyết định có quy định cấm các công ty vận chuyển hoặc hãng cung cấp bảo hiểm, tài chính cho các lô hàng dầu Nga của các nước G7, các thành viên EU và Australia được bán trên mức giá cố định.

Trong khi đó, hầu hết các công ty vận chuyển và hãng cung cấp bảo hiểm, tín dụng cho các lô dầu vận chuyển trên biển hiện nay của các nước các nước G7, các thành viên EU hoặc có mối quan hệ làm ăn với các công ty và hãng này. Thế nên, trong trường hợp một quốc gia ngoài G7, EU và Australia mua dầu thô của Nga trên mức giá trần mà phương Tây đưa ra đều hầu như không thể đưa được mặt hàng nhiên liệu này về nước.

Quyết định áp giá trần với dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga vì thế thực chất là việc Mỹ và phương Tây siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt với quốc gia này. Ngay sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine cuối tháng 2-2022, Mỹ và phương Tây đã liên tiếp tung ra các đòn trừng phạt nhằm “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga, trong đó trọng điểm nhằm vào nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất là ngành năng lượng.

Bất chấp tất cả, kinh tế Nga dù vấp phải nhiều khó khăn vẫn trụ vững, không “sụp đổ” như điều mà phương Tây muốn thấy, mà một trong nguyên nhân quan trọng là nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt không những không giảm mà còn gia tăng. Trên thực tế, xuất khẩu dầu thô, khí đốt và các sản phẩm từ dầu mỏ chiếm phần lớn nguồn thu của Nga, đã sụt giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây, song đã được bù đắp bởi giá dầu tăng cao trên thị trường quốc tế.

Trước cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, Nga xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở mức 8 triệu thùng/ngày. Dù khách hàng lớn nhất của Nga là EU đã cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga như một biện pháp trừng phạt, song Matxcơva đã chuyển hướng thành công nguồn khách hàng khác nên xuất khẩu dầu của Nga chỉ giảm nhẹ xuống mức 7,6 triệu thùng/ngày. Sụt giảm không nhiều, bù lại giá xuất khẩu tăng vọt khiến thu ngân sách của Nga từ dầu khí tăng hơn 30% trong 10 tháng năm 2022. Bởi thế, Mỹ và phương Tây muốn leo lên nấc thang mới - áp giá trần với dầu thô xuất khẩu quan đường biển của Nga - để đạt mục đích “bóp nghẹt” nền kinh tế nước này.

Hệ lụy tiêu cực từ cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”

Ngoài hệ lụy tiêu cực đầu tiên là hàng chục tàu chở dầu tắc nghẽn ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định áp giá trần với dầu thô xuất khẩu quan đường biển của Nga được cho sẽ còn tác động tiêu cực tới cả hai phía trong cuộc chiến kinh tế giữa phương Tây và Nga, hơn thế còn ảnh hưởng cả tới kinh tế toàn cầu. Việc áp giá trần với dầu mỏ của Nga có thể khiến sự khan hiếm, đứt gãy nguồn cung mặt hàng nhiên liệu thiết yếu sống còn này sẽ càng trầm trọng hơn, đẩy giá dầu trên thị trường thế giới lên cao.

Quyết định áp giá trần với dầu thô nhập từ Nga ngay lập làm các quốc gia, nhà nhập khẩu dầu thô của Nga ở châu Âu đang hết sức lo lắng. Lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sang các nước Địa Trung Hải (gồm Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Croatia...) trong tuần đã xuống thấp nhất kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra.

Dầu thô của Nga xuất sang Italia đã giảm xuống thấp nhất năm nay. Nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này ISAB (thuộc sở hữu của hãng dầu khí Nga Lukoil) gần đây phải rất khó khăn trong việc vay vốn để mua dầu thô. Nhà máy này đang lọc dầu thô của riêng Lukoil, nhưng dòng chảy dầu này đang bị chặn lại vì lệnh cấm nhập dầu Nga của EU.

Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty dầu khí Hungary MOL, khoảng 70 trạm xăng của công ty này, chiếm khoảng 1/4 mạng lưới của Hungary đã hoàn toàn cạn kiệt. Tình hình xung quanh việc cung cấp nhiên liệu ở Hungary đang trở nên nghiêm trọng và giải pháp duy nhất là tạo điều kiện để tăng nhập khẩu.

Là thành viên EU được miễn không phải thực hiện áp trần giá dầu, song Hungary vẫn nhất quán với quan điểm điều này gây thiệt hại cho chính liên minh. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố thẳng, EU cần nhận thấy rằng việc áp trần giá dầu và các biện pháp tương tự sẽ gây hại cho nền kinh tế của khối.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cho rằng, EU cần thay đổi chính sách trừng phạt Nga vì khối này đang chịu thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ do xung đột Nga - Ukraine. Theo ông, EU nên tập trung vào việc đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng thay vì cố áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng “hậu quả của xung đột Nga - Ukraine ở hai bờ Đại Tây Dương không giống nhau”.

Nga tất nhiên phản ứng quyết liệt với quyết định của “Liên minh giá trần” phương Tây. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 6-12 tuyên bố, ngay trong tháng 12 này, Matxcơva sẽ thực hiện cơ chế ứng phó với việc phương Tây áp mức giá trần đối với dầu mỏ xuất khẩu quan đường biển của nước này, theo đó sẽ cấm xuất khẩu dầu mỏ sang các quốc gia thực hiện áp giá trần.

Cùng với biện pháp đáp trả, Nga cũng tìm cách ứng phó với đòn trừng phạt mới của phương Tây. Nước này đang thay đổi các chuỗi logistic để ứng phó việc phương Tây áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Matxcơva đang hợp tác với các nhà buôn nhỏ hơn khi tiến hành giao dịch dầu và đang sử dụng các chương trình bảo hiểm nguồn cung mới.

Tuy nhiên, về lâu dài quyết định áp giá trần với dầu thô chắc chắn tác động không nhỏ tới mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga. Thêm vào đó, EU hiện cũng đang xem xét áp giá trần với mặt hàng khí đốt. Quyết định áp giá trần với dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga vì thế sẽ đưa đến tình trạng “lưỡng bại câu thương” với cả hai phía trong cuộc chiến không kém phần khốc liệt này.