Áp dụng số hóa với xe khách liên tỉnh để giảm xe “dù”, bến “cóc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau đại dịch Covid-19, xe khách liên tỉnh hoạt động ngày càng khó khăn. Cùng với đó là công tác quản lý, giám sát có phần lỏng lẻo nên không ít nhà xe đã bỏ bến ra ngoài chạy “dù”.

Xe khách liên tỉnh ồ ạt bỏ bến

Theo quy định, doanh nghiệp bỏ tuyến cố định liên tỉnh sẽ bị thu giấy phép sau khi ngừng ký hợp đồng với bến xe. Tuy vậy, tại nhiều tuyến đường quanh các bến xe lớn của Thủ đô, hàng ngày nhiều nhà xe ngang nhiên lập bến “dù” để gom khách, nhận hàng hóa.

Thống kê của Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội trong tháng 5 cho thấy, tại bến xe Giáp Bát có nhiều tuyến hoạt động với 0% như: Giáp Bát - Đà Lạt, Giáp Bát - phía Nam Nam Định… Các tuyến hoạt động dưới 50% như: Giáp Bát - Thanh Hóa, Đà Nẵng; tuyến Giáp Bát - Ninh Bình thậm chí tỷ lệ hoạt động chỉ đạt 12%. Ở bến xe Mỹ Đình có tuyến tỷ lệ chuyến xe hoạt động chỉ 7%. Dù vậy, xung quanh các bến xe này lại mọc lên các điểm bến “cóc” để những nhà xe bỏ bến ra đây hoạt động “dù” gây mất an ninh trật tự. Ghi nhận cho thấy, xung quanh bến xe Nước Ngầm đang tồn tại nhiều điểm bến cóc như khu ký túc xá sinh viên và trước cửa tòa nhà Phương Đông trên đường Trần Thủ Độ. Hoạt động của xe “dù”, bến “cóc” gây mất an ninh trật tự và bất ổn trong hoạt động vận tải khách liên tỉnh.

Từ ngày 1-9, xe khách liên tỉnh dùng lệnh xuất bến điện tử thay vì bản giấy như bấy lâu nay

Từ ngày 1-9, xe khách liên tỉnh dùng lệnh xuất bến điện tử thay vì bản giấy như bấy lâu nay

Để hạn chế tình trạng xe bỏ bến ra ngoài chạy “dù”, từ ngày 1-9, Bộ GTVT cho phép các nhà xe sử dụng lệnh xuất bến điện tử thay vì bản giấy như trước đây. Cụ thể, ngày 15-7-2022, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 17/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020 ngày 29-5-2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 17 là việc Bộ GTVT cho phép các doanh nghiệp vận tải, bến xe, bên cạnh việc dùng lệnh vận chuyển bằng giấy thông thường sẽ được phép dùng thêm lệnh vận chuyển điện tử. Lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc điện tử do doanh nghiệp, hợp tác xã tự phát hành theo mẫu quy định. Khi thực hiện chuyến đi, lái xe mang theo lệnh vận chuyển bằng bản giấy hoặc có thiết bị truy cập được nội dung của lệnh vận chuyển điện tử; xuất trình một trong hai loại lệnh vận chuyển này khi lực lượng chức năng yêu cầu.

Thanh tra GTVT Hà Nội kiểm tra hoạt động xe khách liên tỉnh

Thanh tra GTVT Hà Nội kiểm tra hoạt động xe khách liên tỉnh

Lệnh điện tử dễ dàng kiểm tra, rà soát

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trước mắt vẫn để tồn tại song song cả lệnh vận chuyển điện tử và giấy, doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng 2 hình thức. “Với lệnh vận chuyển điện tử, doanh nghiệp tự khai báo trên hệ thống, từ biển số, họ tên lái xe, hành trình, tuyến đi… Doanh nghiệp bến xe sẽ nhận được các thông tin và thông tin này cũng lên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Từ đó, bến xe sẽ cho xuất bến” - bà Hiền nói. Cũng theo bà Phan Thị Thu Hiền, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng phần mềm quản lý vận tải đối với hoạt động vận chuyển hành khách tuyến cố định, xe buýt, taxi. “Chúng tôi mong muốn xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về hoạt động vận tải. Lực lượng CSGT, cơ quan thuế, hải quan, thanh tra, Sở GTVT đều có thể truy cập được, trích xuất các dữ liệu cần thiết phục vụ mục đích quản lý. Bộ GTVT đang giao Tổng cục thực hiện và đang xin cấp nguồn vốn để triển khai” - bà Phan Thị Thu Hiền nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ý kiến chung của các doanh nghiệp đồng thuận với việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số toàn bộ các lĩnh vực như bán vé, kết nối với cơ quan thuế, bến xe trong đó có lệnh vận chuyển bến xe. “Chúng tôi mong cơ quan quản lý Nhà nước có những chỉ đạo thật đồng bộ để việc chuyển đổi số đi vào cuộc sống một cách toàn diện và nhanh chóng nhất”- ông Quyền nói. Cũng theo ông Quyền, hiện đã có thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải. Cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng tuần tra kiểm soát cần khai thác hiệu quả dữ liệu từ các thiết bị này để xử lý triệt để vi phạm.

Ông Trịnh Văn Tùng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT cũng cho rằng, lệnh vận chuyển điện tử mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, bến xe. Đồng thời, việc kiểm tra sẽ có hiệu quả, vì thanh tra kiểm tra nội dung này sẽ dễ dàng hơn. Trước đây, sử dụng lệnh vận chuyển giấy có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp hoặc phương tiện sử dụng lệnh vận chuyển không đúng quy định, thậm chí lệnh vận chuyển giả. Nếu ứng dụng công nghệ số thì lệnh vận chuyển giả rất khó xảy ra, góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.

Từ góc độ doanh nghiệp quản lý vận tải, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi rất ủng hộ và sẽ nghiên cứu kỹ các quy định, văn bản để có căn cứ thực hiện. Với triển khai thực hiện chuyển đổi số, về cơ sở vật chất, chúng tôi sẽ phải mua sắm trang thiết bị, xây dựng phần mềm. Doanh nghiệp nào mạnh thì có thể tự làm, còn không phải thuê để xây dựng được phần mềm lệnh vận chuyển, vé điện tử”.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho rằng, thời gian tới, để kiểm tra có hiệu quả việc lái xe mang theo lệnh vận chuyển điện tử, Cục CSGT sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm soát từ hệ thống dữ liệu của Tổng cục. “Khi thực hiện kiểm tra, lực lượng chức năng chỉ cần quét theo mã QR code sẽ hiện lên địa chỉ truy cập về lệnh xuất bến có chính xác hay không, rất tiện lợi trong việc xử lý vi phạm. Chúng tôi sẽ hướng dẫn công an các địa phương cũng như cung cấp các địa chỉ truy cập để thực hiện nghiêm túc và xử lý hiệu quả” - Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh khẳng định.

Cơ quan quản lý cùng giám sát chuyến xe

Theo ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội, đối tượng áp dụng lệnh vận chuyển đối với vận tải cố định trên địa bàn thành phố là khoảng 50 đơn vị với trên 700 đầu phương tiện. Còn các đơn vị của địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là khoảng 300 đơn vị với 3.500 phương tiện. “Việc áp dụng lệnh vận chuyển điện tử là đúng đắn. Sở GTVT sẽ tham mưu thành phố triển khai để Hà Nội vào trong top những địa phương có đơn vị, phương tiện vận tải sử dụng lệnh điện tử dẫn đầu, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông” - ông Nguyễn Tuyển nói.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho hay, quy trình làm lệnh vận chuyển giấy mất nhiều thời gian. Mỗi chuyến đi, lái xe, nhân viên phục vụ, cán bộ quản lý điều hành tại bến phải làm nhiều thủ tục pháp lý từ khi xe vào bến, xếp khách, xe xuất bến, ra khỏi bến. Sau khi hoàn tất các thủ tục này, mới được bến đóng dấu cấp lệnh vận chuyển. Các thông tin về lộ trình chuyến đi, bến đi, bến đến, phương tiện, người lái, giờ xe xuất bến, từng hành khách được cập nhật đầy đủ, chính xác trên phần mềm. Các chuyến đi được quản lý minh bạch hơn, từng khách được cập nhật trên phần mềm, lái xe không có cơ hội gian dối về số lượng hành khách trên xe.

GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT cho rằng, trước khi xe xuất bến, một chuyến xe sẽ phải có lệnh vận chuyển bản giấy để lực lượng chức năng kiểm tra. Việc dùng bản giấy đã phát sinh bất cập, nhiều nhà xe tuyến cố định chỉ đăng ký một vài xe vào bến, số còn lại chạy “dù” bên ngoài, xe không vào bến, doanh nghiệp xin trước cả tệp lệnh và tự đóng dấu. Khi dùng lệnh vận chuyển điện tử, chữ ký và xác nhận sẽ được số hóa, dữ liệu chuyến xe sẽ được kết nối trực tiếp với dữ liệu của cơ quan quản lý Nhà nước là các Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng quản lý chuyến xe. Qua đó cũng loại được tình trạng đóng lệnh vận chuyển khống, đưa xe ra ngoài chạy “dù”.