An toàn kiểu... V-League

ANTĐ - Ông Dương Nghiệp Khôi thời còn làm trưởng BTC giải đã thổ lộ rất thật rằng chỉ cần giải về đích an toàn đã là thành công lắm rồi, còn chuyện chất lượng cao hay hấp dẫn ngang giải này giải kia thì chẳng dám mơ.
Chiếu theo quan điểm trên, V-League 2012 cũng có thể coi đã cập bến an toàn, điển hình qua việc 300 nhân viên an ninh “thất nghiệp” trong trận “chung kết” nhạt nhòa, pha lẫn tiểu xảo trên sân Thống Nhất chiều 19-8. Cũng vòng đấu cuối, người hâm mộ không khỏi bức xúc trước cảnh sân cỏ Việt ngày càng bị lạm dụng thành… sân khấu kịch khi chứng kiến V.HP uể oải rời   V-League sau khi “biếu không” 5 bàn cho CLB Hà Nội; hay những trận đấu nặng dấu ấn “tình nghĩa”, “vay trả” trên sân Kiên Giang, Nha Trang, Pleiku... 

V-League mùa giải đầu dưới “chế độ” VPF chưa mang lại nhiều tín hiệu tích cực, dù trước đó, người ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào tổ chức này sau cú lật đổ “kinh thiên động địa” của các ông bầu. Nếu dùng lượng khán giả đến sân làm thước đo thành công, V-League 2012 rõ ràng không phải mùa giải thành công. Chỉ riêng việc đội bóng đại diện Thủ đô - HN T&T, trong trận quyết chiến ngôi vương với SG.XT, lượng khán giả đi theo cổ vũ chỉ hơn chục người, đủ thấy sức hấp dẫn của giải tẻ nhạt ở mức nào. Nhưng chí ít, người ta có thể đánh giá chất lượng giải bằng mắt thường qua việc cân-đo-đong-đếm lượng khán giả đến sân, trong khi nhiều tiêu chí khác chỉ có thể… ngửi. 

Bầu Kiên trong cuộc họp 28 ông bầu từng chỉ thẳng mặt và cảnh cáo những ai có biểu hiện tiêu cực. Và trên thực tế, suốt 26 vòng đấu qua, không ít trận đấu được khẳng định có “mùi tiêu cực”, nhưng đến nay, chưa trường hợp nào bị đưa ra xử điểm. Đơn cử như vụ mua độ “giữa ban ngày” 2 cầu thủ ĐTLA kết thúc bằng việc cấm tham gia các hoạt động bóng đá với đối tượng Nguyễn Thành Trung - cầu thủ đã giải nghệ. Hay như vụ 3 trận đấu bị nghi tiêu cực vòng 25, sau cuộc họp với đầy đủ các ban bệ rốt cục chỉ là nhắc nhở một số cầu thủ thi đấu thiếu tích cực, thay vì kỷ luật hoặc cấm thi đấu làm gương như người hâm mộ chờ đợi; rồi cả “tình trạng “một ông chủ, hai đội bóng” mà dư luận lên án bấy lâu nay, hết VFF đến VPF giờ vẫn đang trong quá trình thẩm định… Sự “nương tay” của VPF, Ban Kỷ luật, Ban Tư vấn đạo đức trong các vụ việc kể trên ngoài mục đích “đưa giải cập bến an toàn”, phần nào cho thấy sự bất lực của các đơn vị này.

Một điều không thể phủ nhận là VPF - qua các mối quan hệ và đầu óc kinh doanh sành sỏi của các ông bầu - đang làm giàu cho bóng đá Việt Nam (tăng quảng cáo, tiền tài trợ, thành lập hội đồng bảo trợ với 10 doanh nghiệp “nghìn tỷ”…). Nhưng điều đó sẽ chẳng mang nhiều ý nghĩa nếu VPF chỉ giúp giải cập bến an toàn, giống như cách mà VFF đã làm ở 10 mùa giải trước. 

Bóng đá Việt Nam đang thật sự lâm nguy khi V-league tiếp tục cập bến an toàn kiểu này.