Ấn Độ liên tiếp thử thành công hệ thống phòng không Akash

ANTĐ - Ngày 24-2, Ấn Độ lại tiếp tục phóng thử thành công tên lửa đất đối không Akash do nước này tự thiết kế và chế tạo từ bệ phóng tích hợp ở Chandipur thuộc bang miền đông Odisha. 

Đây là vụ phóng thành công lần thứ hai trong vòng 3 ngày qua sau vụ phóng ngày 21-2 và là một phần của hàng loạt vụ thử nghiệm loại tên lửa này để trang bị cho Lục quân Ấn Độ.

Trong vụ phóng thử lần này, tên lửa đất đối không tầm trung Akash đã tiêu diệt thành công máy bay không người lái mục tiêu “Lakshya”.

“Mục tiêu Lakshya được phóng lên lúc 11h31 sáng qua trước khi tên lửa Akash được phóng từ bệ phóng số 3 lúc 11h42,” một nguồn tin quân sự nước này nói và cho biết thêm rằng bộ quốc phòng nước này sẽ tiến hành thêm một số vụ phóng thử nữa trong vài ngày tới.

Tên lửa "Akash" là tên lửa phòng không tầm trung do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) phát triển trong khuôn khổ Chương trình phát triển tên lửa điều khiển tích hợp. Tên lửa được chế tạo với các phiên bản dành cho các lực lượng lục quân và không quân, có thể phóng từ bệ cố định và di động, có thể đánh chặn các loại máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa phóng từ máy bay trực thăng.

Tên lửa có tầm tấn công 25km và có thể mang một đầu đạn nặng 60kg và được trang bị bộ pin giúp tên lửa có thể theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Với những khả năng trên, tên lửa đất đối không Akash được các chuyên gia quốc phòng so sánh có sức mạnh tương đương với hệ thống tên lửa đất đối không MIN-104 Patriot của Mỹ.

Ông Vanish Chander, Cố vấn khoa học của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh việc phát triển và chế tạo thành công tên lửa Akash với sự tham gia tích cực của các phòng thí nghiệm thuộc DRDO, các nhà máy sản xuất vũ khí, các phòng nghiên cứu và phát triển quốc gia, các học viện và khoảng 200 ngành công nghiệp tư nhân là một bằng chứng nữa chứng tỏ tiềm năng của Ấn Độ trong lĩnh vực tự chế tạo vũ khí.