Ấn Độ cảnh báo IS có thể nhận vũ khí hạt nhân từ Pakistan

ANTĐ - Ấn Độ vừa lên tiếng quan ngại rằng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể lấy được vũ khí hạt nhân từ Pakistan.

Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng Ấn Độ Rao Inderjit Singh đã lên tiếng quan ngại bên lề hội nghị an ninh khu vực Shangro-La ở Singapore vào hôm 30-5 vừa qua: “Với sự phát triển của IS ở Tây Á, IS còn có thể mở rộng và lấy được vũ khí hạt nhân từ những nước như Pakistan”.

Pakistan và Ấn Độ đều được đánh giá là có mức an ninh hạt nhân thấp

Các đây không lâu, tạp chí tuyên truyền của IS – Dabiq cũng cho biến tổ chức khủng bố có thể lấy được vũ khí hạt nhân từ Pakistan: “IS có hàng tỉ USD trong ngân hàng, do đó chúng có thể yêu cầu thành viên của chúng ở Pakistan mua vũ khí hạt nhân thông qua những kẻ buôn bán có mối quan hệ với các quan chức tham nhũng”.

Pakistan và Ấn Độ đều được xếp hạng thấp về an ninh hạt nhân. Theo chỉ số An ninh nguyên liệu hạt nhân (NTI), Pakistan đứng ở vị trí 22, còn Ấn Độ chiếm thứ hạng 23 trong tổng số 25 nước sở hữu nguyên liệu hạt nhân.

Chủ nghĩa khủng bố, phần lớn được tuyên truyền bởi các phần từ Hồi giáo cực đoan, đã giết chết 55.000 người ở Pakistan từ năm 2001, điều làm bùng lên nhiều lo ngại về an ninh kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Pakistan là một trong những nước đang làm giàu kho vũ khí hạt nhân của mình. Cơ quan nghiên cứu “Hội đồng quan hệ quốc tế” của Mỹ tin rằng Pakistan đang có 100 đến 120 đầu đạn hạt nhân, so với 90 đến 100 đầu đạn của Ấn Độ, và cũng đang tìm cách phát triển tàu ngầm có khả năng mang tên lửa hạt nhân.

Chương trình hạt nhân của Pakistan bắt đầu rừ đầu năm 1970 nhằm phản ứng với Ấn Độ về việc phát triển vũ khí nguyên tử. Vào năm 1998, họ thử nghiệm thành công 5 thiết bị hạt nhân và trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có vũ khí hạt nhân.