- Xuất nhập khẩu tích cực những ngày đầu năm
- Việt Nam có 35 mặt hàng xuất khẩu sang Philippines, gạo là chủ lực
Bộ Công Thương cho biết, tuần lễ hàng vinh danh Tết Nguyên đán Việt Nam được tổ chức năm thứ 3 liên tiếp từ năm 2022 trên hệ thống các đại siêu thị của Tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Pháp, Carrefour.
Carrefour là tập đoàn đi đầu cùng cam kết trong nỗ lực lan tỏa nhiều hơn nữa hình ảnh Việt Nam, văn hóa và hàng hóa Việt Nam tới người tiêu dùng phổ thông tại Pháp.
Mô hình hợp tác ba bên giữa Nhà phân phối bán lẻ/Nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam thông qua cầu nối là Thương vụ Việt Nam tại Pháp, với sự chỉ đạo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và sự phối hợp của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, được triển khai theo Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các kênh phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2030. Đây là Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và do Bộ Công Thương chủ trì.
Sau 3 năm triển khai, hàng loạt các Tuần lễ hàng Việt Nam đã có mặt trên khắp nước Pháp thông qua các hệ thống đại siêu thị thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn nhất Pháp là Carrefour, E.Leclerc và Sys U.
Trong năm 2023, Tết Nguyên đán tiếp tục được Carrefour vinh danh thông qua sự kiện Tuần hàng được tổ chức vào tháng 2/2023. Trong tháng 9/2023, với sự hiện diện của Lãnh đạo Bộ Công Thương, ngoài việc duy trì Tuần lễ Trung thu Việt Nam tại hệ thống các đại siêu thị Carrefour, mô hình hợp tác tiếp tục được lan toả với Tuần hàng Việt Nam được lần đầu tiên tổ chức cùng hệ thống phân phối bán lẻ Super U.
Mô hình hợp tác đã thành công đưa Gạo thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên các kệ hàng của 2 đại siêu thị lớn nhất tại Pháp là E.leclerc và Carrefour. Tiếp đến sự phong phú và đa dạng của gia vị Việt Nam cũng được đưa lên kệ hàng tới tay người tiêu dùng Pháp với thương hiệu Dh Foods. Thương vụ Việt Nam tại Pháp tiếp tục phối hợp với các đối tác để mang lại nhiều hơn nữa sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới tay người tiêu dùng bản địa.
Với một thị trường đã được định hình từ lâu năm như Pháp và châu Âu, mà ở đó nhu cầu với hàng Á châu đã "gần chạm ngưỡng" và số lượng nhà cung cấp/phân phối đã ổn định, việc đưa thêm hàng hóa vào thị trường không chỉ đòi hỏi nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp trong việc luôn đổi mới chính mình, nắm rõ và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu chặt chẽ nhất của thị trường đích đến mà cũng đồng thời cần có vai trò cầu nối của các Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Trong khuôn khổ chương trình tổng thể này, hàng hóa Việt Nam sẽ dần được đưa vào thị trường Pháp với thương hiệu của chính doanh nghiệp Việt Nam. Không những vậy, đây là cách hữu hiệu nhất để định hướng người tiêu dùng, giáo dục thói quen tiêu dùng của người Pháp, từ đó mở rộng nhu cầu của thị trường đối với hàng Việt Nam, vươn ra xa hơn nhóm khách tiêu dùng Á châu truyền thống, vươn tới người tiêu dùng bản địa.