Al-Qaeda lại khiến nước Mỹ hoảng loạn

ANTĐ - Mới đây, Mỹ đã phát đi cảnh báo khủng bố toàn cầu đồng thời đồng loạt đóng cửa hơn 20 Đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới vì lo ngại các cuộc tấn công khủng bố đáng sợ có thể xảy ra. Sau hơn một thập kỷ lắng xuống, tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda dường như đang trở lại và gây ra một cơn hoảng loạn mới cho siêu cường Mỹ.

Al-Qaeda đã sống lại?

Những tưởng 12 năm cuộc chiến chống khủng bố và cái chết của Osama Bin Laden đã kết thúc thành công việc đập tan tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Nhưng theo bà Nada Bakos, một nhà phân tích của CIA từng tham gia chiến dịch săn lùng Osama bin Laden trong nhiều năm, đã nói với ABC News thì bất kỳ sự gợi ý nào cho rằng Al-Qaeda nói chung đang đi xuống, sắp diệt vong là sai. Thay vào đó, bà này tin rằng,  al-Qaeda đang trải qua một quá trình biến hình. Đó là lý do giải thích tại sao người ta rất khó đoán được Al-Qaeda có thể phát triển hay không. Biểu hiện cụ thể sự hồi sinh của tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới, chính là việc nó đang tìm cách xây dựng lại lực lượng. Trong tháng 7, một làn sóng phá tù và vượt ngục diễn ra ở nhiều nước Hồi giáo. Tại Lybia hàng nghìn tù nhân đã phá nhà tù al-Kweifiya ở ngoại ô Benghazi và vượt ra ngoài trong ngày 27-7. Tại Iraq, hàng trăm tù nhân Al-Qaeda đã vượt ngục, đặc biệt trong số đó có các thành viên cấp cao của tổ chức khủng bố này. Trong khi đó, Liên hợp quốc cũng đã công bố một báo cáo mới về các cuộc xung đột tại Syria nói rằng  Al-Qaeda đang hiện diện ngày càng mạnh mẽ tại Syria và thu hút hàng trăm đồng minh khác từ bên ngoài Syria. 

Tờ “Thời báo New York” đưa tin nguyên nhân trực tiếp buộc chính quyền Tổng thống Barack Obama phải tạm đóng cửa các phái bộ ngoại giao ở Trung Đông và châu Phi là do các thông tin tình báo liên quan đến những cuộc nói chuyện giữa các thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố thế giới al-Qaeda. Cụ thể, báo trên cho biết trong các cuộc trò chuyện bị nghe lén, thủ lĩnh hiện nay của tổ chức Al-Qaeda Ayman Al-Zawahri đã ra lệnh cho Nasser Al-Wuhayshi, thủ lĩnh lực lượng Al-Qaeda trên bán đảo Arập có đầu não ở Yemen, phải thực hiện ngay một vụ tấn công trong tháng Tám, sớm nhất là vào ngày 4-8 - ngày thứ 27 của tháng lễ Ramadan và là ngày đặc biệt trong thế giới Hồi giáo, được gọi là “Đêm quyền lực”. 

Thời gian xảy ra các vụ khủng bố chưa thể được xác định chính xác bởi al-Qaeda có thể tập trung vào bất cứ mục tiêu nào dù là các cá nhân hay các Đại sứ quán trong tháng này. Mỹ tập trung mọi sự chú ý vào khu vực Trung Đông nhưng các mối nguy cũng có thể đến ở những khu vực khác. 

Yemen là nơi tổ chức al-Qaeda trên bán đảo Ả-Rập (AQAP) đặt trụ sở. Đây là một trong những chi nhánh hoạt động dữ dội nhất của Al-Qaeda. Từ Yemen, AQAP đã nhiều lần tổ chức các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các mục tiêu phương Tây. Để triệt phá AQAP, quân đội Mỹ đã tổ chức chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái dữ dội tại vùng rừng núi Yemen trong thời gian qua.

Hiện an ninh đang được siết chặt ở Thủ đô Sana’a của Yemen, quân đội đã được điều đến đóng xung quanh các cơ quan ngoại giao, văn phòng Chính phủ và khu vực sân bay. Ngày 7-8, chính quyền Yemen tuyên bố an ninh nước này đã phá vỡ một âm mưu của tổ chức khủng bố của al-Qaeda nhằm chiếm quyền kiểm soát hai thành phố, một cảng xuất khẩu dầu và bắt cóc người nước ngoài. Lo ngại trước tình hình an ninh tại Yemen, cả Mỹ, Anh và Hà Lan đã quyết định rút nhân viên ngoại giao về nước, đồng thời kêu gọi công dân nước này nên rời khỏi Yemen.

Mỹ điều quân

CNN dẫn tài liệu mật bị rò rỉ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đang xem xét triển khai lực lượng đặc biệt ở Trung Đông để sẵn sàng hành động nếu xảy ra một cuộc tấn công khủng bố. Hai tàu đổ bộ của hải quân Mỹ đã được điều đến Yemen trong khi lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ đóng ở miền nam Italia, Tây Ban Nha và khu vực Hồng Hải có thể tới Yemen trong vòng một giờ. Lệnh báo động vì những mối đe dọa không rõ ràng của    Al-Qaeda đã được gia hạn tới ngày 10-8.

Thông tin về những nguy cơ khủng bố được phát hiện đưa ra trong bối cảnh các chương trình nghe lén của Mỹ bị dư luận trong nước cũng như thế giới chỉ trích mạnh mẽ. Liệu có sự liên quan của hai sự việc nói trên? Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Marie Harf đã bác bỏ sự liên hệ này đồng thời khẳng định những cảnh báo an ninh được phát đi, 100% là do phân tích các thông tin tình báo nhận được.

Một thực tế khác mà Mỹ không muốn nhắc đến là hiện nay trong lực lượng đối lập Syria và Quân đội Syria tự do thì những phần tử Jihad Syria có liên quan với Al-Qaeda lại là lực lượng chủ yếu. Quốc hội Mỹ đã tỏ ra đắn đo nhưng rốt cuộc đã ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho các chiến binh ly khai ở Syria. Các tướng lĩnh và các chính khách Mỹ thừa biết số vũ khí này tới Syria thì rất có thể sẽ rơi vào tay Al-Qeada. Phần lớn viện trợ quân sự của phương Tây, trong đó có ngân khoản Quốc hội Mỹ vừa thông qua được rót cho tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant” - tổ chức Al-Qaeda ở Iraq. Hàng trăm thậm chí cả nghìn phần tử Al-Qaeda vừa chạy thoát khỏi các nhà tù hiện có thể đang tham gia cuộc chiến ở Syria. Nhưng có thể đến một lúc nào đó, các chiến binh Jihad từng có sự viện trợ của phương Tây này lại tiếp tục chiến đấu chống chính Mỹ và phương Tây.