Ai giải cứu Baghdad?

ANTĐ - Ít ai nghĩ rằng 11 năm sau cuộc chiến mà Mỹ phát động lật đổ Tổng thống Iraq S. Hussein, Thủ đô Baghdad lại đứng trước nguy cơ thất thủ trước đòn tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Ai giải cứu Baghdad? ảnh 1
Các tay súng ISIL trong trận tập kích tại Anbar của Iraq

Hôm 12-6, Tổng thống Mỹ B. Obama đã phải vội vàng họp với các quan chức cao cấp Nhà Trắng để bàn cách đối phó với diễn biến tình hình ngày càng rối loạn tại Iraq, trong đó có nguy cơ các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIL) đánh chiếm thủ đô Baghdad. Tuyên bố sau cuộc họp, ông B. Obama cho biết không loại trừ bất kỳ phương án nào, kể cả giải pháp quân sự, để cứu nguy tình hình Iraq.

Được coi là nhóm phiến quân mạnh nhất ở Iraq, ISIL không chỉ gây ra các vụ bạo lực đẫm máu tại quốc gia vùng Vịnh này mà còn tìm cách mở rộng hoạt động sang nước láng giềng Syria. Vài tháng gần đây, ISIL đẩy mạnh hoạt động và hiện đã chiếm giữ được 2 thành phố lớn quan trọng tại miền Bắc Iraq là Tikrit và Mosul - thủ phủ tỉnh Nineveh. Trước sức mạnh của phiến quân, quân đội Chính phủ đã vứt bỏ vũ khí và rời bỏ dần các vị trí đóng quân, khiến thủ đô Baghdad bị đe dọa. 

Thực tế đó cho thấy đất nước Iraq vẫn tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc về sắc tộc, tôn giáo. Nếu như dưới thời ông S. Hussein, dòng Hồi giáo Sunni thiểu số được trọng dụng và nắm các chức vụ quan trọng, thì thời nay tình thế đã đảo ngược với việc dòng Hồi giáo Siitte chiếm đa số lên ngôi mà đại diện là Thủ tướng Nuri Al Maliki. Để đáp trả, rất nhiều người Sunni đã rút vào hoạt động bí mật, những hành động khủng bố nhằm vào người Siitte gần như đã trở thành  chuyện thường ngày.

Miền Bắc Iraq hầu như nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Trên thực tế, người Kurd ở miền Bắc đã thành lập cho mình một quốc gia độc lập. Dù mới chỉ là danh nghĩa nhưng quốc gia này không chỉ có quốc kỳ, quốc ca mà cả chính phủ và lực lượng vũ trang riêng. Nền kinh tế của quốc gia mới này chủ yếu dựa vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ nhưng hoạt động hoàn toàn độc lập với nền kinh tế chung của Iraq.

Trong bối cảnh xung đột vũ trang hiện nay, người ta lo ngại cộng đồng người Kurd sẽ tuyên bố độc lập. Nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ khuyến khích tâm lý ly khai của những người Hồi giáo dòng Sunni ở miền Trung và cộng đồng người  Siitte ở miền Nam Iraq. Nhiều nguy cơ Iraq sẽ tan rã và tách  thành 3 cộng đồng riêng biệt - người Kurd, người Siitte và người Sunni. 

Về phía nhà bảo trợ an ninh - Mỹ, ngày 12-6, các công ty Mỹ đã sơ tán hàng trăm người Mỹ đang làm việc tại căn cứ không quân Balad, nơi từng có 36.000 lính Mỹ đồn trú trước khi được bàn giao cho phía Iraq tháng 11-2011. Nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng đang cân nhắc tất cả các phương án, gồm cả giải pháp quân sự nhằm “ngăn chặn các phần tử thánh chiến Hồi giáo thiết lập thế đứng vĩnh viễn tại Iraq hoặc Syria”. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng J. Carney khẳng định sự hỗ trợ Iraq không bao gồm kế hoạch điều động bộ binh trở lại chiến trường Iraq.

Trước mắt, Mỹ đang xem xét đề nghị của Iraq tiến hành các cuộc không kích, có thể bằng máy bay không người lái, nhằm ngăn chặn đà tấn công của các tay súng Hồi giáo cực đoan, cứu Baghdad khỏi nguy cơ thất thủ.