Afghanistan:

Ai đứng sau vụ mưu sát Phó Tổng thống Karim Khalili?

(ANTĐ) - Tuy Phó Tổng thống Karim Khalili may mắn thoát chết trong vụ tấn công bằng rocket nhằm vào trung tâm đào tạo cảnh sát tại quận Chaki Wardak (Chaki Owda), tỉnh Owda ở phía tây Thủ đô Kabul hôm 15-6, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ông sẽ không tiếp tục bị mưu sát bởi cho tới nay người ta chưa bắt được sát thủ, cũng như kẻ chủ mưu vụ này.
 Bộ trưởng Nội vụ Besmullah Khan  Mohammadi (Bismullah Khan Mohammadi) cũng may mắn thoát chết bởi khi đó ông đi cùng Phó Tổng thống Karim Khalili tới dự cuộc họp an ninh tại trung tâm đào tạo cảnh sát quận Chaki Wardak. Tuy quan chức chính phủ và lãnh đạo cao cấp của lực lượng cảnh sát và quân đội thường là mục tiêu mưu sát của Taliban và Al Qaeda, nhưng đây là vụ hy hữu khi cả Phó Tổng thống và Bộ trưởng Nội vụ cùng là mục tiêu trong một vụ tấn công. Vụ mưu sát diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Hamid Karzai lên kế hoạch từ chức khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2014 và Tổng thống Barack Obama cũng đang cân nhắc các phương án rút binh sỹ Mỹ ra khỏi chiến trường Afghanistan kể từ tháng 7. Tổng thống Hamid Karzai từng tuyên bố, trước cuối năm 2014, Afghanistan có thể tự đảm trách an ninh đất nước và sẽ hợp tác cùng NATO và các quốc gia khác trong giai đoạn chuyển giao.
Ai đứng sau vụ mưu sát  Phó Tổng thống Karim Khalili? ảnh 1
Phó Tổng thống Karim Khalili và Phó Tổng thống Haji Abdul Qadir
Cho tới nay, người ta vẫn chưa thống kê đầy đủ các vụ mưu sát nhằm vào Tổng thống Hamid Karzai kể từ khi ông lên nhậm chức. Hơn 3 năm trước (27-4-2008), Tổng thống Hamid Karzai bị Taliban mưu sát với mục đích phô trương khả năng quân sự của lực lượng này. Khi đó Giám đốc Cơ quan Tình báo Amrullah Saleh đã bắt 2 nghi can làm việc trong Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ vì có liên quan tới vụ mưu sát Tổng thống Hamid Karzai. Giám đốc Cơ quan Tình báo Amrullah Saleh và Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak từng bị chỉ trích sau khi không bắt được sát thủ ám sát hụt Tổng thống Hamid Karzai. Nhiều người làm việc trong Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Tình báo và cả lực lượng bảo vệ Tổng thống từng bị điều tra, thẩm vấn xung quanh các vụ mưu sát Tổng thống Hamid Karzai. Người ta từng đình chỉ công tác 8 quan chức cấp cao, trong đó có Cảnh sát trưởng Thủ đô Kabul và Trưởng phòng chống khủng bố của Bộ Nội vụ bởi chậm trễ trong tiến trình điều tra vụ mưu sát nhằm vào Tổng thống Hamid Karzai. Tổng thống Hamid Karzai từng biết trước về âm mưu của những kẻ khủng bố và không ai rõ ông lấy thông tin từ đâu. Hơn 4 năm trước, Tổng thống Hamid Karzai từng là mục tiêu ám sát của Taliban và đó là lần thứ 5 ông thoát hiểm trong gang tấc. Trước đó, ông Hamid Karzai từng bị ám sát hụt khi đang ở gần Kandahar và sát thủ là một kẻ ăn mặc giả đồng phục của quân đội Afghanistan. Tướng tình báo Michael Maples từng cảnh báo, tình hình Afghanistan phức tạp và khó kiểm soát. Đây không phải lần đầu tiên Phó Tổng thống Afghanistan bị mưu sát bởi cách đây gần 9 năm (chiều 6-7-2002), Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Công trình công cộng Haji Abdul Qadir đã bị sát hại. Điều đáng nói là sau đó không lâu, đại diện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ISAF tại Afghanistan buộc phải tuyên bố, kết thúc cuộc điều tra vụ ám sát Phó Tổng thống Haji Abdul Qadir mặc dù không bắt được hung thủ. ISAF cũng yêu cầu cảnh sát thả ngay 26 nghi can (10 vệ sỹ bảo vệ Phó Tổng thống Haji Abdul Qadir và 16 tình nghi khác) bởi công việc điều tra đã kết thúc. Đa số nhân viên bảo vệ Phó Tổng thống Haji Abdul Qadir từng là phần tử Taliban. Nhưng thân nhân và những người ủng hộ Phó Tổng thống Haji Abdul Qadir lại coi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Fahim là tác giả của vụ ám sát. Gần 5 năm trước (tháng 9-2006), ông Hakim Taniwal đã trở thành tỉnh trưởng (tỉnh Paktia) đầu tiên và quan chức cấp cao nhất của Afghanistan bị ám sát kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ. Tỉnh trưởng Hakim Taniwal cùng 2 vệ sỹ bị chết ngay tại hiện trường khi chiếc ôtô của ông vừa rời khỏi trụ sở làm việc thì bị đánh bom tự sát. Ngoài ra, cựu Thủ tướng Abdul Saboor Farid cũng bị ám sát (2-5-2007) bởi các tay súng không rõ danh tính - bị bắn chết ngay bên ngoài tư dinh ở Thủ đô Kabul. Theo ông Tayad Farid, con trai cựu Thủ tướng Abdul Saboor Farid cho biết, sát thủ đã xả súng bắn bố ông từ một chiếc Toyota Corolla không rõ biển số và bọn chúng nhanh chóng rời khỏi hiện trường sau khi nạn nhân đổ vật xuống đất. Giới chuyên môn cho rằng, những vụ ám sát thành công và bất thành thời gian vừa qua cho thấy, sát thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi động thủ và hành động không đơn độc. Ngoài Taliban và Al Qaeda, người ta còn điểm mặt một số cá nhân và tổ chức có thể đứng sau những vụ mưu sát quan chức cao cấp ở Afghanistan. Mặc dù cựu Thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar, người từng bị CIA ám sát hụt, nhưng ông lại bị coi là một trong những người gây bất ổn tại Afghanistan bởi đứng đầu tổ chức Hồi giáo cực đoan Hezb-e-Islami. Hezb-e-Islami từng bị liệt kê là mối đe dọa lớn đối với sự nắm quyền của Tổng thống Hamid Karzai.