Agribank: 30 năm đồng hành cùng "Tam nông"

ANTD.VN - Với sứ mệnh được định vị từ ngày đầu thành lập, đến nay, trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn luôn vững vàng ở vị trí ngân hàng đồng hành, tin cậy trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Ở  bất kỳ giai đoạn nào, sứ mệnh vì nền nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam vẫn được Agribank giương cao

Vượt khó đi lên

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng chính thức đánh dấu công cuộc Đổi mới, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Đại hội VI của Đảng cũng xác định đổi mới hệ thống ngân hàng là khâu then chốt. Và Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Việt Nam - tiền thân của Agribank đã được ra đời ngày 26-3-1988 theo Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và chính thức đi vào hoạt động ngày 1-7-1988 trên phạm vi cả nước.

Đây là ngân hàng thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ này là tập trung ưu tiên đầu tư cho 3 chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước là: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. 

Với đối tượng phục vụ chính là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank trong những ngày đầu thành lập gặp muôn vàn khó khăn khi gánh vác trên vai những nhiệm vụ vô cùng nặng nề, vượt qua những hệ lụy của thể chế, mô hình kinh tế cũ trong khi nội lực ngân hàng còn hạn chế. Tổng tài sản chưa tới 1.500 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn huy động chỉ chiếm 42%, còn lại 58% phải vay từ Ngân hàng Nhà nước. Tổng dư nợ 1.126 tỷ đồng, trong đó 93% là ngắn hạn; tỷ lệ nợ xấu trên 10%. Khách hàng hoàn toàn là các doanh nghiệp quốc doanh và hợp tác xã phần lớn là làm ăn thua lỗ, đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống, Agribank đã dần vững vàng với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng vốn của Agribank đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân, khởi sắc bộ mặt nông thôn Việt Nam. 

Sứ mệnh vì “Tam nông”

Bước vào giai đoạn hội nhập, những yêu cầu, thách thức mới lại đặt ra cho nền nông nghiệp nước nhà, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Để nền nông nghiệp vững vàng trước hội nhập, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW (Nghị quyết 26) ngày 5-8-2008 đã đặt ra những mục tiêu cụ thể về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2010 và định hướng đến 2020. 

Thực hiện Nghị quyết 26, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 24/2008/NQ-CP kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết về Tam nông, trong đó có đề án về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng chính là tiền đề để Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (Nghị định 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ ban hành vào năm 2010 mà Agribank là ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện. 

Sự quyết liệt của Chính phủ đã khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chỉ riêng năm 2010, ngoài việc dành vốn giải ngân nhằm triển khai Nghị định 41, Agribank đã đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng cho vay hộ gia đình sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Kết thúc năm 2017, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn huy động đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chủ yếu là vốn huy động từ dân cư). Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6% so với năm 2016, đạt gần 900 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 650 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 73,6% dư nợ). 

Chất lượng tín dụng được đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,54%. Lợi nhuận trước thuế tăng 20% (đạt trên 5.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay). Và, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, sứ mệnh vì nền nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam vẫn được Agribank nêu cao. 

Agribank: 30 năm đồng hành cùng "Tam nông" ảnh 2

Tiếp sức nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao

Tuy phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng với đối tượng khách hàng đặc thù là nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên Agribank luôn chú trọng chính sách tín dụng ưu đãi. Mỗi năm, Agribank dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. 

Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Agribank đã thực hiện hàng chục đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, mỗi năm giảm thu tài chính khoảng 3.000 tỷ đồng mà không có cấp bù của Nhà nước, không được vay tái cấp vốn. 

Với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ về gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Agribank đã triển khai hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi như: cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu; cho vay tái canh cây cà phê; cho vay hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, ngập mặn, sự cố môi trường; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn...

Đồng thời, để hỗ trợ người nông dân tiếp cận vốn dễ dàng và chi phí thấp nhất, Agribank cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích như cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “ngân hàng lưu động”… Đặc biệt, hiện tại, chương trình tín dụng nông nghiệp sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... đã giúp nông nghiệp Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển theo hướng bền vững.

Nói vậy, bởi những năm gần đây, thực phẩm bẩn như một “khối u ác tính” gặm nhấm niềm tin của xã hội. Một đất nước nông nghiệp nhưng ám ảnh về trồng trọt “bẩn”, chăn nuôi “bẩn” trở thành nỗi khiếp sợ của tất cả mọi người. Như thế, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đi về đâu khi sản phẩm của những người nông dân một nắng hai sương lại bị chính người tiêu dùng trong nước quay lưng, nói gì đến xuất khẩu. 

Đây cũng là trăn trở lớn của Ban lãnh đạo Agribank. Vì vậy, cuối năm 2016, Agribank đã có một quyết định quan trọng, đó là tung ra gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi dành cho các đối tượng khách hàng trong diện ưu tiên giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi vay thông thường. Ngay lập tức, Agribank nhận được sự ủng hộ của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, các bộ ngành cùng vào cuộc quyết liệt. 

Không chỉ đẩy mạnh cho vay nông nghiệp sạch, Agribank còn đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Ngân hàng xác định việc này không chỉ thực hiện tốt là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, mà cũng chính là “lối thoát” cho tín dụng “Tam nông” hiện nay.

Agribank đã triển khai nhiều mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao  và bước đầu các mô hình này đã mang lại hiệu quả, tạo niềm tin, sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Agribank, so với nguồn lực mà ngân hàng này có thể dành cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao thì việc giải ngân còn chưa tương xứng. Nguyên nhân đến từ những vướng mắc về chính sách và thực lực của chính các doanh nghiệp cũng đang là rào cản lớn. Điều này rất cần đến sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các cấp.