Thách thức của ngân hàng nông nghiệp ở thị trường đô thị

ANTD.VN - Là “cánh chim đầu đàn” của một ngân hàng quốc doanh, nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hà Nội vẫn đứng trước vô vàn thách thức, đó là phục vụ một thị trường không mang “dáng dấp” sản xuất nông nghiệp.

Tìm “ngách” ở thị trường đô thị

Agribank Hà Nội được đánh giá là chi nhánh có sự đóng góp lớn nhất về mạng lưới cũng như con người của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Đồng thời cũng là một trong những đơn vị lâu đời nhất trong hệ thống ngân hàng, luôn đi đầu trong thí điểm và phát triển các sản phẩm, dịch vụ.

Tuy vậy, sau khi bàn giao các ngân hàng huyện thị về các tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây (năm 1991) và các ngân hàng huyện về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (1997) thì Agribank Hà Nội lại đứng trước thử thách mới, đó là mang tên ngân hàng nông nghiệp nhưng lại phục vụ các thành phần kinh tế không mang “dáng dấp” của sản xuất nông nghiệp giữa nội đô thành phố Hà Nội.

Để khắc phục khó khăn và phát triển ổn định bền vững, chi nhánh đã xác định tập trung phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các ngành nghề sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu và dịch vụ là nhóm khách hàng chiến lược. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản.

Agribank Hà Nội đang tìm tòi những hướng đi mới

Bước vào thời kỳ hội nhập, một lần nữa Agribank Hà Nội lại bị đặt trước những thử thách, đó là sức ép cạnh tranh ngày càng lớn khi hàng loạt các ngân hàng cổ phần được khai sinh trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đó, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Agribank Hà Nội cho biết, với đặc thù là ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước nên Agribank bao giờ cũng phải đi đầu trong việc giảm lãi suất, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Đây là một đầu bài rất khó mà Agribank phải giải quyết. Lãi suất cho vay tại Agribank bao giờ cũng thấp nhất hệ thống, chênh lệch lãi suất ngày càng “mỏng”. Do vậy, chúng tôi luôn xác định phải lấy số lượng để “gánh”, phải đi bằng ba chân, vừa kinh doanh nguồn vốn, vừa đẩy mạnh tín dụng và bên cạnh đó phải phát triển mạnh mảng dịch vụ” – bà Phạm Thị Hằng chia sẻ.

“Bí quyết” giữ chân khách hàng

Cũng vì lãi suất cho vay thấp nên ở lĩnh vực huy động vốn, Agribank không thể cạnh tranh về lãi suất với các ngân hàng tư nhân. Đây là một sức ép vô cùng lớn, khi mức chênh lệch lãi suất giữa hai nhóm ngân hàng có khi lên tới 1%/năm.

Dù vậy, suốt những năm qua, Agribank Hà Nội vẫn giữ được vị thế dẫn đầu trên địa bàn. Để đạt được điều đó, theo Giám đốc chi nhánh Phạm Thị Hằng, đơn vị đã phải triển khai nhiều giải pháp.

Agribank Hà Nội vẫn giữ được vị thế dẫn đầu trên địa bàn

Đầu tiên là việc áp dụng cơ chế khoán trong quản trị điều hành, kèm theo khoán là thưởng. “Khoán thưởng rõ ràng, đó là động lực để cán bộ phải tìm mọi cách giữ chân khách hàng” – bà Phạm Thị Hẳng cho biết.

Cùng với cơ chế khoán thì chi nhánh cũng phải đặc biệt chú trọng đào tạo “kỹ năng mềm” cho cán bộ. Với kinh nghiệm mấy chục năm làm ngân hàng, bà Phạm Thị Hằng rút ra kinh nghiệm “chênh nhau một chút về lãi suất không bằng giữ chân khách bằng những kỹ năng mềm”.

“Chính vì vậy mà hiện nay, trong tổng nguồn vốn của Agribank Hà Nội khoảng 13.000 tỷ thì 7.200 tỷ đồng là là tiền gửi dân cư (chiếm hơn 60%). Để mà nhận được tiền gửi của các cụ không phải dễ, nhất là khi chỉ trên con phố này (phố Lạc Trung – trụ sở Agribank Hà Nội) có đến cả chục ngân hàng với lãi suất rất cạnh tranh. Thế mà cán bộ của tôi vẫn giữ được chân khách hàng” – Giám đốc Phạm Thị Hằng tự hào.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Agribank Hà Nội

Cùng với đó, với đặc thù công việc nhiều áp lực nhưng lại có tới 70% cán bộ, công nhân viên là nữ nên nữ Giám đốc chi nhánh cũng có những kỹ năng rất “mềm” trong quản lý. Nếu như ở nhiều ngân hàng khác, nhân viên thường xuyên phải làm việc đến 7-8h tối thì ở Agribank Hà Nội gần như không có.

“Tôi đề ra nguyên tắc nhân viên không làm việc quá 6h chiều, nếu buộc phải làm thì phải báo cáo rõ lý do. Tôi hay nói là tôi yêu cầu mọi người về cơm nước cho chồng con. Đây là động viên, song cũng là mệnh lệnh, có lẽ xuất phát từ việc mình là phụ nữ, gia đình và công việc không thể bỏ bên nào được” – nữ giám đốc Agribank Hà Nội chia sẻ.